Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phối hợp xây dựng trường học thân thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi tọa đàm nội bộ do Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận tổ chức ngày 29-3

Mục tiêu của phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực là huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội; hình thành, phát huy tính sáng tạo của học sinh trong học tập và hoạt động xã hội.

Đó là khẳng định của ông Võ Cao Long (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tại Hội thảo khoa học nội bộ với chủ đề “Phát huy vai trò của người cán bộ quản lý, giáo viên trong phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/ TW” tổ chức ngày 29-3.

Những vướng mắc từ thực tế

Ngày 2-4, UBND Q.Phú Nhuận phối hợp với Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của người cán bộ quản lý, giáo viên trong phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/ TW”. Ông Võ Cao Long (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) cho biết hội thảo đã trở thành một hoạt động truyền thống của ngành giáo dục Phú Nhuận trong 6 năm qua nhằm mục đích không ngừng nâng cao chất lượng quản lý và giáo dục trường học, bắt đầu từ vai trò của người lãnh đạo.

ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền (chuyên viên Tổ mầm non, Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) đánh giá, tính thụ động trong kỹ năng sống, bệnh thành tích trong giáo dục, tính áp đặt trẻ là thực trạng vẫn còn xảy ra ở các trường học. Ngoài ra, do thiếu môi trường yên tĩnh, sự kỳ vọng quá lớn hay sự thờ ơ của phụ huynh cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trẻ. Trong khi thầy Nguyễn Thiện Sơn (Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 5) thì cho rằng, do sĩ số đông nên áp lực đảm bảo an toàn cho trẻ trong hoạt động học tập, vui chơi là rất lớn làm ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên. Bên cạnh đó hoạt động nuôi dưỡng đôi lúc tổ chức đồng loạt làm hạn chế tầm quan sát và bao quát của giáo viên, chi phối đến việc rèn luyện kỹ năng cá nhân cho trẻ.

Từ việc đánh giá cao công tác giáo dục bảo vệ môi trường, cô Nguyễn Thị Lan Hương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Loa) chỉ ra thực trạng, bên cạnh những học sinh có môi trường giáo dục và nhận thức tốt vẫn còn rất nhiều em có lối sống không khoa học, hành vi thiếu văn minh, thiếu tôn trọng môi trường. Cô Lê Thị Hạnh Dung (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh) khẳng định, ai cũng mong muốn đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng. Nhưng thực tế rất khó vì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ, điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế quản lý. Đó cũng là quan điểm của cô Trương Thị Hồng Vân (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Lô) về yêu cầu tất yếu của việc đổi mới giáo dục.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Hằng (Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Kiệu) đã chỉ ra thực tế chương trình giáo dục phổ thông còn nặng nề, việc thi cử còn nghiêng về lý thuyết chưa nhiều thực hành. Phương pháp dạy học còn mang tính áp đặt, không chú ý đến tự học nên việc học còn thụ động, thiếu phát huy tìm tòi và sáng tạo của từng cá nhân.

Lối mở cho người lãnh đạo

Đứng ở góc độ giáo viên, cô Nguyễn Lý Ngọc Trâm (Trường THCS Đào Duy Anh) tha thiết mong có được nhiều điều kiện tốt nhất để học sinh của mình có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, kỹ năng ứng xử và ngăn chặn bạo lực trong nhà trường; đồng thời phụ huynh quan tâm gần gũi con em hơn. Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) đưa ra giải pháp, kiến tạo môi trường thân thiện từ việc xây dựng niềm tin tập thể đối với công tác quản lý, tổ chức hoạt động nhà trường. Ngoài việc phân công thực hiện nhiệm vụ, xây dựng niềm tin được thể hiện qua sự quan tâm thực hiện phúc lợi tập thể và cá nhân, trong khâu tổ chức hợp lý và khoa học các hoạt động trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Xây dựng lối sống văn minh không đơn giản

ThS. Đoàn Bá Cường (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Tất Tố) cho rằng một giáo viên tốt trước hết phải có phẩm chất của người công dân bên cạnh phẩm chất của một nhà giáo với những năng lực thiết yếu được trui rèn qua thực tiễn nhà trường. Đó cũng là phẩm chất của người hiệu trưởng với trình độ đạt chuẩn đào tạo. “Mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực tuy đã xuất hiện từ lâu nhưng hiện nay vẫn là mục tiêu, ước mơ của nhiều nền giáo dục trên thế giới. Điều này cho thấy việc thực hiện là không đơn giản vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội có tính vĩ mô trong đó yếu tố về trình độ phát triển xã hội là yếu tố quan trọng đòi hỏi cần có sự đồng bộ, đồng thuận từ phía xã hội”, ThS. Cường phân tích. 

ThS. Lê Cẩm Linh (chuyên viên Tổ mầm non) đánh giá cao vai trò của cán bộ quản lý cùng với chữ tâm và chữ tầm được cụ thể hóa bằng sự tâm huyết và năng lực của người lãnh đạo. Không chỉ khéo léo, óc quan sát tinh tế mà phải đối xử công bằng tránh thiên vị, luôn lắng nghe để tạo bầu không khí đoàn kết thân ái. Tương tự, PGS.TS Nguyễn Gia Cầu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) đánh giá cao vai trò tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên vì đây là đội ngũ có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục học sinh. Đây cũng là mong muốn của TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) để có một đội ngũ nhà giáo có tinh thần cầu tiến và ý thức trách nhiệm. Bên cạnh đó luôn xem học tập có phương pháp là một nhu cầu chiến lược của nghề nghiệp và biết chăm lo, chia sẻ với cộng đồng và cộng sự.

Là người có nhiều kinh nghiệm quản lý, TS. Ninh Văn Bình (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) đúc kết, phẩm chất nâng cao năng lực chỉ đạo, đổi mới phong cách quản lý và phải biết lắng nghe nhiều nguồn ý kiến là đòi hỏi của người lãnh đạo. Ngoài xây dựng đội ngũ giáo viên thành một tập thể sư phạm đoàn kết, người thủ lĩnh luôn tìm được uy tín trong tập thể và Nhân dân.

Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)