Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng bệnh bại liệt

Tạp Chí Giáo Dục

Việc phòng bệnh bại liệt chủ yếu bằng việc uống vaccine sapin. Ảnh: T.LÊ
Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo, đề nghị người dân tích cực chủ động phòng chống bệnh bại liệt đang có xu hướng gia tăng trên thế giới và có khả năng xâm nhập trở lại Việt Nam. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với BS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 7A TP.HCM, xung quanh các vấn đề có liên quan đến bệnh bại liệt.
BS. Hà cho biết: “Hiện nay, bệnh bại liệt là bệnh chưa có thuốc đặc trị trên toàn thế giới. Vì vậy, công tác phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu”.
Không phải là bệnh di truyền
PV: Thưa BS, từ những năm 2000, Việt Nam đã công bố chấm dứt được bệnh bại liệt nhưng hiện nay nó đang có xu hướng quay trở lại. Theo BS để phát hiện được bệnh cần dựa trên những biểu hiện nào?
Bệnh bại liệt tập trung ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bại liệt là một chứng bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng Poliovirus gây nên. Poliovirus có 3 tuýp là PV1, PV2, PV3, đây là 3 tuýp khác nhau nhưng tuýp 1 là có khả năng gây bệnh cao, nó có kháng thể nhưng không miễn dịch chéo. Khi nhiễm vào cơ thể, siêu vi trùng lan vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ và làm bại liệt. Mặc dù có khoảng 90% các ca nhiễm trùng bệnh bại liệt không có triệu chứng, nhưng những người bị nhiễm có thể thể hiện một loạt các triệu chứng nếu đi vào trong máu như rối loạn cảm giác, liệt cứng các cơ và liệt không đối xứng thường xảy ra ở chân. Hội chứng lâm sàng của bệnh rất đa dạng, tùy theo từng cá thể. Thứ nhất là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc, người bệnh thường, bị sốt, bạch cầu bình thường, có người bạch cầu cao nhưng tỉ lệ này rất thấp. Tiếp đến là viêm lồng ngực hô hấp, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, tiêu độc và biểu hiện về cơ, thần kinh dẫn đến đau cơ rồi cơ sẽ bị yếu đi, dẫn đến liệt. Nếu đau ở vùng cơ nào thì sẽ bị liệt ở vùng đó, ví dụ đau ở hai chi dưới sau một thời gian sẽ bị liệt. Các loại liệt như liệt do tai biến, liệt do viêm tủy ngang… đây không phải là liệt do virus và thường không có biểu hiện là sốt. Thời gian ủ bệnh từ 6-20 ngày, khoảng thời gian này cơ thể không có triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài nhưng trong cơ thể đã mang bệnh.
Bại liệt có phải là bệnh lây nhiễm hay không? Nếu lây nhiễm thì nó có khả năng lây nhiễm bằng cách nào, thưa BS?
Bại liệt không phải là bệnh di truyền mà là bệnh mắc phải, lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp và tiêu hóa thông qua tay và dụng cụ nhiễm bẩn với vật trung gian là ruồi. Virus được thải qua đường phân của người bệnh, chính vì vậy mà chúng ta phải rửa tay sạch sẽ sau khi đi cầu. Bại liệt là bệnh có khả năng miễn dịch bền vững, tức là hầu như người đã bị nhiễm bệnh sẽ không bị nhiễm lần 2. Bệnh bại liệt để lại một số hậu quả rất đau đớn cả về thể xác và tinh thần, có thể dẫn tới tê liệt cơ bắp tạm thời hoặc vĩnh viễn, tàn tật, biến dạng của hông, khung chậu… Mặc dù chúng ta có thể can thiệp bằng phẫu thuật, vật lí trị liệu phục hồi chức năng nhưng trẻ em sống sót sau bệnh bại liệt có thể bị khuyết tật nặng.
Không có thuốc đặc trị
Theo BS thì làm thế nào để giảm khả năng mắc bệnh bại liệt?
Bại liệt là bệnh “tự nó phải thu xếp”, không có thuốc đặc trị. Nó trải qua 4 giai đoạn là ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và ghi bệnh. Khi người bệnh bị nhiễm bệnh thì khả năng can thiệp chỉ là can thiệp vào các triệu chứng như sốt thì giảm sốt, hắt hơi sổ mũi thì điều trị hắt hơi sổ mũi… Vì vậy, việc can thiệp chỉ là để nâng đỡ cơ thể, tăng sức đề kháng. Việc phòng bệnh rất quan trọng, chủ yếu bằng việc uống vaccine sapin. Trẻ em khi sinh ra được 3 tháng tuổi phải được uống vaccine phòng bệnh, mỗi năm uống 1 lần cho đến khi đủ 5 tuổi, mỗi lần nhỏ 2 giọt vaccine. Đây là loại vaccine sinh kháng thể rất tốt có tác dụng ngăn chặn không cho virus phát triển. Hiện nay, việc phòng bệnh chưa thực sự được coi trọng đến khi phát bệnh rồi mới chữa. Theo yêu cầu của ngành y thì  tiêm phòng phải đạt trên 90% nhưng hiện nay chỉ còn 60-70%. Đây chính là một trong những nguyên nhân mà trẻ em bây giờ thường mắc phải các dịch bệnh.
Đây là một bệnh truyền nhiễm, vậy BS có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh trong việc phòng chống bệnh bại liệt trước nguy cơ bệnh này có khả năng quay trở lại Việt Nam?
Trước hết là phải cho trẻ đi uống vaccine phòng bệnh theo yêu cầu của Bộ Y tế. Bên cạnh đó cần chú trọng đến công tác vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi hoặc cơ bắp thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Xin cảm ơn BS!
Nghiêm Quế (thực hiện)
Năm 2000, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở khu vực Tây Thái Bình Dương tuyên bố đã thanh toán bệnh bại liệt và Việt Nam cũng đã công bố chấm dứt được bệnh này. Nhưng trên thực tế, khi khả năng miễn dịch trong cộng đồng giảm xuống ở mức độ thấp thì các bệnh truyền nhiễm có thể quay lại bất cứ lúc nào và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
 

Bình luận (0)