Con trai tôi hiện nay được 7 tháng tuổi, cháu nặng 11kg. Gần đây tôi thấy trên ngấn ở cánh tay, đùi, bẹn cháu ửng đỏ, ướt. Cháu lại hay quấy khóc hơn thường ngày. Tôi cho cháu đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị hăm kẽ và cho thuốc điều trị. Tôi băn khoăn không biết tôi phải làm thế nào để hăm kẽ không tái phát?
Bùi Phương Thanh (Ninh Thuận)
Hăm kẽ (nấm kẽ) là bệnh thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở cả người lớn, chủ yếu là người lớn béo bệu. Khi bị hăm kẽ, người bệnh có biểu hiện da viêm đỏ, nền da có lẩn mẩn mụn nước, có khi trợt chảy dịch, có mủ, rất ngứa và đau rát ở những vị trí nếp kẽ như sau tai, cổ, nách, bẹn, khoeo chân, các nếp ngấn ở cánh tay, đùi. Ở trẻ nhỏ, các tuyến bài tiết dưới da (tuyến mồ hôi) chưa hoàn thiện nên rất dễ mất cân bằng pH axít tự nhiên của da. Bình thường pH trên da có tính axít nhẹ nhưng khi các yếu tố môi trường phá vỡ cân bằng pH axít này, làm pH da tăng cao có thể gây hăm kẽ. Hăm kẽ do pH da tăng cao ở những vùng da mồ hôi ra nhiều, ẩm ướt, ở nếp gấp da. Bệnh có thể tái phát nếu chị không biết cách phòng ngừa cho cháu. Biện pháp chị có thể thực hiện là ức chế sự phát sinh các vi khuẩn gây bệnh trên da như vệ sinh da bé sạch sẽ. Chị có thể sử dụng các loại sữa tắm cho trẻ có độ axít nhẹ phù hợp với pH axít tự nhiên của da; tránh cho trẻ khỏi môi trường quá nóng hoặc quá lạnh; tránh cọ xát và có thể xoa bột tan để giữ nếp kẽ luôn khô, thoáng.
Theo BS. Trịnh Văn Tùng/SK&ĐS
Bình luận (0)