Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng bệnh thủy đậu mùa nắng nóng

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh thủy đậu sẽ để lại sẹo cho trẻ nếu không được chữa trị đúng cách. Ảnh: T.L

Thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) không phải là căn bệnh nan y nhưng nếu không biết cách ngăn chặn thì rất dễ lây lan, nhất là tại các trường học.
Bệnh này sẽ để lại sẹo và nhiều di chứng khác nếu không chữa trị đúng cách theo lời khuyên của BS.
Những mụn nước phồng rộp
Vừa qua, kế hoạch đi chơi của gia đình chị Lê Thị Tùng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) bị hủy. Nguyên nhân chủ yếu là do cháu Việt – con trai út của chị bị bệnh thủy đậu. Toàn bộ khuôn mặt của cậu bé 10 tuổi này có rất nhiều mụn nước nổi ở vùng mặt, tay và cả trong người. Chị Tùng cho biết: “Cách đây khoảng một tuần, tự nhiên trong người cháu nổi vài mụn nước nhỏ, nghe cháu mách nhưng vợ chồng tôi cứ thờ ơ. Nào ngờ sau hai ngày thì các mụn nước đó “nhảy” khắp nơi trong người và nhiều nhất là trên mặt”. Mấy hôm đó cháu lại bị sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Đến khi nghe mấy người có tuổi trong xóm “truyền” kinh nghiệm , chị mới biết cậu con trai mình bị bệnh thủy đậu nên vội vàng đưa cháu đi khám tại Bệnh viện 175. Nhờ điều trị kịp thời và uống thuốc đúng liều lượng cháu bớt sốt dần, các mụn nước bắt đầu giảm và khô dần không còn xuất hiện trên cơ thể như trước nữa. BS. Lê Hữu Nhi – Viện Pasteur, TP.HCM cho biết: “Thủy đậu là căn bệnh ngoài da do vi rút Varicella zoster gây ra, thường gặp nhất ở trẻ em trước độ tuổi 15. Người lớn và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi khi mắc bệnh thủy đậu thì nặng hơn so với lứa tuổi khác”. Cũng theo BS. Nhi, thủy đậu là căn bệnh lây lan rất nhanh nhất là trong gia đình và những người xung quanh, vì thế cần có sự cách ly kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mức lây truyền. Tuy nhiên nếu không kỹ lưỡng, vi rút có thể lây truyền gián tiếp qua các vật dụng dùng chung hoặc quần áo, mùng mền khi dịch từ các mụn phồng rộp bị bể ra. Mùa đông, xuân là thời gian thủy đậu xảy ra nhiều nhất. Tuy vậy, theo thống kê của các bệnh viện, căn bệnh này cũng rất “phát triển” khi trời nắng nóng. Những người có thể trạng yếu hoặc bị thủy đậu xâm lấn nhiều thì gây ra chứng nhức đầu, buồn nôn. Trẻ con bị bệnh thường bỏ ăn, khóc nhiều, ngủ ít.
Điều trị bệnh thủy đậu
Do trẻ bị sốt nhẹ và hay ngứa nên đầu tiên các BS điều trị bệnh này bằng cách hạ sốt và chống viêm nhiễm như dùng thuốc  acetaminophen (tylenol). Các loại thuốc như chlorpheniramine, fexofenadine hoặc các loại thuốc kháng histamine khác cũng được BS chỉ định nhằm giảm ngứa và đau. Theo lời khuyên của BS, chị Tùng cho cháu Việt tắm thường xuyên bằng nước ấm và xà bông, sau đó bôi dung dịch calamine cho bớt ngứa cũng như sát khuẩn. Khi bị ngứa, trẻ có thói quen dùng tay để gãi dễ làm vỡ bọng nước nên phải cắt móng cho trẻ. Đặc biệt không đụng chạm trực tiếp vào các mụn nước để làm bể nó ra rất nguy hiểm. Do bệnh dễ lây lan nên cần phải cách ly với người nhà trước (nhất là trẻ con) và nên cho nghỉ học 1-2 tuần lễ, khi nào dứt bệnh mới quay trở lại trường. Ngoài việc hạn chế tiếp xúc, những người xung quanh cũng không được ăn uống hoặc dùng chung đồ đạc, quần áo người bệnh. Tốt nhất nên rửa tay sạch sẽ và đeo khẩu trang khi chăm sóc con, cháu đang bị thủy đậu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cho nên để ngăn ngừa hữu hiệu, trẻ em phải được tiêm vaccine phòng thủy đậu 1 mũi (dưới 12 tuổi), 2 mũi (từ 12 tuổi trở lên) cách nhau hai tháng. Có như vậy mới hạn chế được sự xâm nhập của vi khuẩn gây ra căn bệnh này. Nhiều người thường có tâm lý sợ hãi sau khi hết bệnh sẽ để lại sẹo trên mặt. Điều này là có cơ sở khi thủy đậu để lại những biến chứng nguy hiểm. Vì thế, không nên để cho trẻ gãi nhiều dễ bị nhiễm trùng da và vết thương sau này làm nên sẹo tròn.
Ngọc Quang

Bình luận (0)