Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng bệnh viêm nướu ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang khám bệnh VN cho trẻ. Ảnh: T.L

Viêm nướu (VN) là bệnh rất thường gặp ở trẻ em do nhiễm trùng những mô mềm xung quanh nâng đỡ cho răng. Nếu nướu của trẻ bị sưng và chảy máu khi chải răng, trẻ có thể bị VN.
Chảy máu chân răng là dấu hiệu của VN
Cu Bi con chị Hạ Anh (quận 3 – TP.HCM) 20 tháng tuổi, mới mọc được 8 răng cửa và 1 răng hàm nên chị vẫn thường vệ sinh răng miệng cho con bằng cách lau nước muối. Gần đây, lúc vệ sinh cho con chị thường thấy một ít máu chân răng dính vào khăn. Mấy người bạn của chị cho rằng trẻ bị bệnh chảy máu chân răng là chuyện bình thường, đa phần do thiếu vitamin C nên chị Hạ Anh cũng không lo lắm. Nhưng sau đó, cu Bi bị sốt cao, các nướu răng đều sưng đỏ, răng bị chảy máu nhiều hơn nên chị tức tốc đưa con đến bệnh viện khám. Tương tự, bé Mai nhà anh Châu (quận Thủ Đức – TP.HCM) 33 tháng tuổi. Cách đây 10 ngày bé Mai quấy khóc, không chịu ăn, sau đó bị sốt 380C. Anh Châu kiểm tra thấy nướu răng hàm sưng đỏ và có một răng hàm đang nhú lên, anh cho con uống thuốc hạ sốt. Sau đó 4 ngày, các nướu răng của bé Mai đều sưng đỏ, đánh răng bị chảy máu, khi bé khóc máu chảy càng nhiều. Anh và bà xã liền đưa con đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt khám.
ThS.BS Nguyễn Quốc Dũng (Phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, cho biết: “Cả hai trường hợp trên trẻ đã bị VN. Bệnh VN diễn tiến qua nhiều giai đoạn khác nhau, nguyên nhân chủ yếu gây ra VN răng ở trẻ là do trẻ vệ sinh răng miệng không sạch, dẫn đến tình trạng tích tụ chất bẩn và vi khuẩn quanh răng, nhất là ở khe nướu. Nếu thấy trẻ bị sưng nhẹ ở viền và gai nướu là biểu hiện của VN giai đoạn đầu. Nướu của trẻ bình thường màu hồng, khi bị viêm, tùy theo mức độ nhẹ thì nướu trẻ sẽ có dấu hiệu bị ửng đỏ, sưng phồng. Mức độ nặng hơn, trẻ dễ bị chảy máu nướu răng, sưng nướu rất đau, kèm theo lưỡi, môi và miệng bị lở, gây rát. Ở các trẻ nhỏ, một số bậc cha mẹ khi chùi răng cho trẻ, thấy trẻ đau, khóc nên không dám vệ sinh răng miệng cho trẻ nữa, làm cho tình trạng VN tiếp tục nặng hơn. Do vậy, các bậc cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị VN bằng cách kiểm tra bàn chải đánh răng thấy có chút máu hồng, miệng và hơi thở của trẻ có mùi hôi. VN nếu không điều trị sớm thì mô nâng đỡ răng sẽ bị phá hủy làm nướu bị tụt, xương ổ răng bị tiêu làm răng lung lay. Răng sẽ lung lay ở nhiều mức độ nặng hay nhẹ, cuối cùng dẫn đến tình trạng rụng răng”.
Điều trị càng sớm càng hiệu quả
Điều trị bệnh VN sẽ rất hiệu quả nếu bệnh được phát hiện đúng lúc ở giai đoạn khởi phát. Khi trẻ bị bệnh này, các bậc cha mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị bởi sẽ không trị được tận gốc bệnh mà khiến bệnh âm ỉ kéo dài và việc điều trị sau này sẽ khó khăn hơn.
Tùy vào tình hình bệnh, BS sẽ áp dụng điều trị bằng các loại dung dịch sát khuẩn vùng miệng hay có thể phối hợp thêm thuốc kháng sinh uống, vitamin PP và vitamin C. Ăn bưởi cũng là một biện pháp giúp trẻ ngừa bệnh VN. Ăn bưởi sẽ giúp tăng lượng vitamin C trong máu, tăng sức đề kháng để chống lại các vi khuẩn gây VN.
“Đối với trẻ dưới 3 tuổi, sau khi cho bé ăn hay bú sữa, phụ huynh nên dùng gạc quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước chín để nguội, chà răng và nướu của bé. Động tác này phải thực hiện thật nhẹ nhàng để tránh gây thương tổn niêm mạc miệng và tránh làm bé buồn nôn. Khi trẻ được 3 tuổi, cần hướng dẫn bé đánh răng đúng cách, tập cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng sau khi ăn. Cần đưa trẻ đi khám răng định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm tra các vấn đề răng miệng” – BS. Dũng khuyến cáo.
PHỤNG DIỄM
 

Bình luận (0)