Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phong cách học theo khuynh hướng phương Tây đương đại

Tạp Chí Giáo Dục

Cuốn sách chuyên khảo “Phong cách học phương Tây đương đại: Khuynh hướng và lĩnh vực nghiên cứu” (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2024) của TS. ngôn ngữ học Nguyễn Thế Truyền vừa xuất bản được đánh giá là công trình khoa học có tính tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu phong cách học.


Giáo viên và học sinh trao đổi trong giờ dạy – học (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Phong cách học (tiếng Anh: stylistics), theo định nghĩa của các nhà chuyên môn, là một nhánh của ngôn ngữ học ứng dụng, là môn khoa học nghiên cứu và giải thích tất cả các loại văn bản (…). Phong cách ở đây là sự đa dạng của ngôn ngữ được sử dụng bởi các cá nhân khác nhau hay trong các tình huống và ngữ cảnh khác nhau. Theo tác giả Richard Bradford trong cuốn “Phong cách học” (NXB Routledge), phong cách học là “sự nghiên cứu hệ thống và có tính nguyên tắc về ngôn ngữ trong sử dụng”.

Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như ngữ văn, báo chí ở nhiều trường ĐH của Việt Nam đã dạy bộ môn này từ rất sớm. Song cách tiếp cận của nó còn phiến diện, khá già nua. Thật đúng như nhận xét của PGS.TS Lê Khắc Cường: “Phong cách học tại Việt Nam bao nhiêu năm qua cũng chỉ quanh quẩn với hai chuyện: mỹ từ pháp, phong cách chức năng và có thể nói không có mấy thành tựu, không khác gì lắm so với phong cách học cổ điển thời Aristotle thế kỷ III-IV trước Công nguyên”. Bản thân thế hệ chúng tôi, khi học ĐH ngành ngữ văn cách đây mấy mươi năm, bộ môn phong cách học cũng chỉ thấy tập trung chủ yếu ở các vấn đề tu từ. Vì vậy, TS. ngôn ngữ học Nguyễn Thế Truyền (từng là giảng viên các trường: ĐH Bạc Liêu, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Văn Hiến) đã cho ra đời công trình khảo cứu chuyên biệt với tên gọi “Phong cách học phương Tây đương đại: Khuynh hướng và lĩnh vực nghiên cứu”. Đây là cuốn sách khảo cứu công phu, khoa học, thực tiễn, theo xu hướng hiện đại nhất hiện nay về bộ môn phong cách học. Tác giả Nguyễn Thế Truyền trong lời nói đầu của sách mong muốn: “Hy vọng rằng những nội dung của cuốn sách này sẽ cung cấp cho người đọc một toàn cảnh về phong cách học đương đại phương Tây, qua đó giúp người đọc tiếp tục đi sâu vào lĩnh vực này hoặc ứng dụng có hiệu quả vào những vấn đề cụ thể của phong cách học và nghiên cứu văn chương tiếng Việt”. Sách có năm chương với hơn 360 trang, tổng cộng có 111 tài liệu tham khảo là những công trình nghiên cứu về phong cách học của nước ngoài đương đại. Ngoài chương 1 là những vấn đề chung của phong cách học, chương 2 là bối cảnh học thuật (thành tựu mới của ngôn ngữ học hiện đại, trào lưu mới trong nghiên cứu văn chương và những lĩnh vực mới trong nghiên cứu trí tuệ và tương tác xã hội), thì chương 3 đi sâu vào tìm hiểu diện mạo của các khuynh hướng nghiên cứu phong cách học đương đại. Trong đó, TS. Nguyễn Thế Truyền đã hệ thống các khuynh hướng nghiên cứu phong cách học một cách cụ thể, rõ ràng về khuynh hướng tích hợp phân ngành, chuyển đổi hướng tiếp cận, mở rộng phạm vi nghiên cứu và đặc biệt rất mới là, ứng dụng các công cụ nghiên cứu hiện đại, như khối liệu điện tử, máy tính điện tử, phần mềm chuyên dụng… Còn ở chương 5 “Những hạt giống tương lai”, tác giả khảo cứu về phong cách học truyện tranh, phong cách học về phim, phong cách học đa phương thức, phong cách học và hư cấu siêu văn bản, phong cách học và sinh học thần kinh. Đây có thể thấy là một hướng đi rất mới, rất giàu tính ứng dụng trong các lĩnh vực mỹ/nghệ thuật hiện nay. Chẳng hạn với những người làm truyện tranh, họ sẽ bắt gặp trong chương này cách nhìn toàn diện về truyện tranh hiện đại. Như khái niệm truyện tranh (phương diện văn hóa, lịch sử…); các phương diện phong cách của truyện tranh (phong cách Nhật, phong cách Mỹ, phong cách châu Âu…); phương diện về ngôn từ, kết cấu trang, hình dạng thân thể nhân vật. Hoặc với phong cách “siêu biến dạng”, hình thức “cường điệu và ngoa dụ”… Hoặc về thể loại phim, cuốn sách đã hệ thống về “phong cách học về phim” một cách khá rõ ràng theo xu hướng hiện đại. Các kiến thức về phim, như “phim và các loại phim” cho người đọc có một cách nhìn hệ thống trong việc khu biệt với các loại hình nghệ thuật khác. Ở phần đặc điểm của phong cách học về phim, tác giả nêu nhận xét: “Lúc ban đầu, phong cách học về phim, đúng như tên gọi khiêm tốn của nó, chỉ tập trung trong việc nghiên cứu chuyển thể phim từ tiểu thuyết, phân tích cách thức một phiên bản văn bản gốc chuyển thể thành một phương tiện truyền thông mới và bàn luận về tính trung thực của sự chuyển thể (…). Sau đó các phong cách học dần dần nghiên cứu một cách độc lập hơn…”. Theo các nhà phong cách học, “phim như một thiết chế văn hóa”, “một tập hợp quy ước và siêu ngôn ngữ để miêu tả những hành động ngôn từ và phi ngôn từ”.


Bìa sách

“Phong cách học tại Việt Nam bao nhiêu năm qua cũng chỉ quanh quẩn với hai chuyện: mỹ từ pháp, phong cách chức năng và có thể nói không có mấy thành tựu, không khác gì lắm so với phong cách học cổ điển thời Aristotle thế kỷ III-IV trước Công nguyên”, PGS.TS Lê Khắc Cường nhận xét.

Đánh giá về sách, PGS.TS Nguyễn Công Đức viết: “Việc tiếp cận khá nhiều công trình nghiên cứu liên quan của các nhà nghiên cứu Âu, Mỹ (phương Tây) theo định hướng và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của đề tài nhằm qua đó có thể có tác dụng nhất định về mặt nhận thức luận lẫn về mặt thực tiễn là điều có thể nhận thấy từ công trình này (…). Tôi đánh giá cao công trình nghiên cứu này”. Còn PGS.TS Lê Khắc Cường cho rằng ngoài tác phẩm “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (1985) của Phan Ngọc, thì ở Việt Nam chưa có công trình nào có tính tiên phong, đổi mới. Vì vậy, PGS.TS Lê Khắc Cường “thấy thú vị khi đọc đề tài “Phong cách học phương Tây đương đại: Khuynh hướng và lĩnh vực nghiên cứu” của TS. Nguyễn Thế Truyền. Nhìn chung đây là một công trình khoa học tốt, khái quát được những trào lưu, khuynh hướng, lĩnh vực mới của phong cách học đương đại ở phương Tây. Tác giả có những hiểu biết sâu sắc, đọc nhiều và có những phân tích, kiến giải hợp lý” (trích dẫn từ trang bìa 4 của sách).

Trần Ngọc Tuấn

Bình luận (0)