Gần đây, trên địa bàn TP.HCM liên tục xảy ra nhiều vụ cháy nhà khiến nhiều người thương vong và thiệt hại tài sản ước tính hàng chục tỷ đồng.
Một khu nhà ở trung tâm TP, bên trên đều lắp lưới rào kiên cố, không có lối thoát hiểm nếu không may xảy ra hỏa hoạn
Nhà bị cháy chủ yếu là nhà ống, nhà cấp 4 không có lối thoát hiểm, khi phát hiện cháy, người dân cũng như lực lượng chức năng rất khó tiếp cận để xử lý dẫn đến thiệt hại nặng về người và tài sản.
Gần 80 vụ cháy/ 3 tháng
Gần đây nhất (chiều 31-3) là vụ cháy tại tầng 3 quán cà phê trên đường Nguyễn Thái Học (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1). Phát hiện lửa bùng phát, người dân hô hoán, dùng bình chữa cháy mini dập lửa nhưng bất thành và lan sang hai cửa hàng gần đó. Do ngọn lửa bùng phát nhanh, khói đen nghi ngút, hơn 1.000 học sinh Trường THPT Ernst Thalmann cũng đã kịp thời sơ tán xuống sân trường để tránh khí độc. Vụ cháy không gây thương vong nhưng thiệt hại lớn về tài sản.
Ngày 25-3, vụ cháy nhà cấp 4 tại P.4, Q.8 khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng khiến người dân hoang mang. Do khu vực bị cháy nằm giữa căn nhà 5 phòng, không có lối thoát hiểm nên việc xử lý đám cháy gặp nhiều trở ngại. Trước đó (khoảng 4 giờ ngày 20-3), người dân phát hiện căn nhà trên đường Tạ Uyên (P.12, Q.5) bị cháy. Nhận tin báo, lực lượng chữa cháy đã có mặt tại hiện trường, kịp thời dập lửa và giải cứu 4 người trong gia đình đến nơi an toàn.
Nặng nhất là vụ cháy nhà cấp 4 xảy ra trên đường Nguyễn Thị Định, P.Cát Lái, TP.Thủ Đức vào lúc 1 giờ 30 ngày 30-3. Mặc dù lực lượng chữa cháy được huy động, song do đám cháy bùng phát nhanh khiến 6 người trong gia đình thiệt mạng, căn nhà cấp 4 và nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Phòng cháy đối với nhà ống
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Trường – chuyên gia tư vấn Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trường Thành) khẳng định, có thể kéo giảm số vụ, giảm thiệt hại do cháy nếu có quy định khắt khe hơn về biện pháp phòng cháy chữa cháy đối với nhà ống, nhà cấp 4.
Điểm lại các vụ cháy gần đây, các căn nhà này được xây dựng khá lâu, hệ thống thiết bị điện trong nhà do câu nối thiếu an toàn dẫn đến chập điện và gây cháy. Nguy hiểm hơn là TP.HCM đang đỉnh điểm nắng nóng, trong nhà sử dụng nhiều thiết bị điện khiến đường dây không đủ tải gây cháy nổ.
Theo kỹ sư Trường, có thể phòng cháy nổ ở nhà ống theo nhiều cách phù hợp với thiết kế của từng nhà. Theo đó, nếu nhà có lối đi lên sân thượng (hoặc bên trên mái) thì có thể thiết kế cầu thang dã chiến trổ lên mái. Mái này (diện tích khoảng 1m2 để thoát hiểm) gắn với cầu thang, có thể đưa lên bằng hệ thống điện hoặc ròng rọc để lấy ánh sáng và đóng lại khi không cần thiết. Khi gặp sự cố cháy nổ, chỉ một thao tác là cầu thang này hạ xuống, đẩy phần mái lên, đó là lối thoát hiểm duy nhất để thoát ra ngoài chờ lực lượng cứu hộ.
Thực tế, nhiều căn nhà có diện tích quá nhỏ, khi xây dựng chủ nhà tận dụng tất cả các không gian để xây tường bao, che chắn thay vì thiết kế lối thoát hiểm và đây là nguyên nhân xảy ra các vụ chết người đau lòng. Có thể tận dụng các không gian bên trên để tăng diện tích, tuy nhiên không nên xây kiên cố mà lắp đặt các khung sắt đảm bảo thoát được từ trong ra ngoài, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa có thể ngăn trộm đột nhập. Đồng thời hạn chế lắp đặt hai lớp cửa để khi gặp sự cố dễ dàng thoát ra ngoài và lực lượng cứu hộ cũng dễ tiếp cận.
Cũng theo kỹ sư Trường, hiện nay thị trường có các loại vật liệu có nhiều tính năng ưu việt, đặc biệt là chống cháy nhưng giá cả chấp nhận được. Đó là các loại cửa chống cháy, hạn chế khí độc… Vật liệu này dù bị phủ bởi đám cháy lớn trong thời gian dài vẫn giữ được kết cấu nhà, không bị đổ sập như những vật liệu thông thường khác. Bên cạnh đó còn có các loại sơn chống cháy sử dụng cho vật liệu gỗ, sắt, thép mà người dân có thể tìm hiểu và lựa chọn.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ PC07 Công an TP.HCM, trong quý 1-2021, đã tiếp nhận và xử lý 112 vụ liên quan đến cháy nổ và cứu nạn cứu hộ. Từ đầu năm đến 15-3, toàn TP đã xảy ra 77 vụ cháy làm 1 người chết và 6 người bị thương. Trong đó, TP.Thủ Đức: 15 vụ; Gò Vấp: 9 vụ; các quận 8, Tân Bình, Bình Tân và huyện Bình Chánh mỗi địa phương 5 vụ. Riêng vụ cháy xảy ra vào lúc 1 giờ 30 ngày 30-3 tại P.Cát Lái, TP.Thủ Đức làm chết 6 người trong một gia đình. Nguyên nhân các vụ cháy được xác định là có liên quan đến thiết bị điện. |
“Hiện nay, ở các công trình nhà phố, các loại cửa chống cháy lắp đặt ở gần ban công, cầu thang, cửa thông từ phòng này sang phòng khác trong nhà… được sử dụng khá phổ biến. Kinh nghiệm của các quốc gia, đặc biệt là các TP đông dân của châu Á, vật liệu chống cháy được xem là giải pháp tối ưu trong đề phòng hỏa hoạn”, kỹ sư Trường gợi ý.
Có nhiều năm tình nguyện tham gia công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Lý Nhơn Thành (Trưởng ban bảo vệ dân phố P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) đúc kết: Nguyên nhân khiến lực lượng khó tiếp cận để xử lý, cứu hộ là do người dân còn thờ ơ, vô tư hàn, lắp lưới rào kiên cố. Lưới rào này thật sự không cần thiết, vừa mất an toàn cho người dân sống bên dưới vừa tự hại mình nếu không may có hỏa hoạn.
“Có những vụ cháy nếu tiếp cận được theo lối ban công, từ trên mái thì sẽ hạn chế thương vong, đằng này phải mất từ 10-15 phút mới phá được rào vào bên trong, trong khi đó đám cháy đã bùng phát mạnh, khói đen bao trùm. Đấy là cháy xảy ra ban ngày, còn vào ban đêm, nhất là khoảng 1-2 giờ sáng thì gần như vô phương”, ông Thành cảnh báo.
PC07 Công an TP cũng khuyến cáo trong mùa nắng nóng, người dân thường xuyên kiểm tra đường dây điện, bình gas, bếp gas, đóng các thiết bị điện khi không cần thiết để phòng cháy nổ.
A.Trần
Bình luận (0)