Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phòng chống bạo lực học đường: Vấn đề cấp bách của nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Những hoạt động Đoàn – Hội bổ ích như thế này sẽ thu hút sự tham gia của học sinh. Ảnh: N.Anh
Trong khi sự việc một nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng chưa chùng xuống thì mới đây, hai nam sinh mới 15 tuổi ở Thanh Hóa đã dùng dao nhọn đâm chết một bạn học và làm một bạn khác bị thương. Hai sự việc mà lứa tuổi phạm tội đều còn rất trẻ và đang học THCS.
Ở Việt Nam, bạo lực học đường đang trở thành mối lo của phụ huynh, ngành giáo dục và toàn xã hội. Nó không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ có học sinh nam, mà cả học sinh nữ. Nó không những gây ra những tác động xấu đến mối quan hệ giữa trò với trò, thầy với trò mà còn gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, thái độ học tập của học sinh, sự giảng dạy của thầy cô giáo và các hoạt động giáo dục của nhà trường.
1. Thực tế chứng minh rằng, những người chưa thành niên hầu hết đều phụ thuộc và sống chủ yếu dựa vào gia đình nên yếu tố tâm lý của đối tượng này rất dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh; đặc biệt là lối sống, cách cư xử, giao tiếp của ông bà, cha mẹ, anh chị em cùng những người thân khác. Tìm hiểu nhân thân của thanh thiếu niên phạm tội, chúng ta thấy phần lớn đều được nuôi nấng, lớn lên trong những gia đình không mấy hoàn hảo, thường gặp nhiều bất lợi như cha mẹ đang ly hôn, ly thân, hoặc khó khăn túng quẩn về kinh tế… Nhưng cũng không ít trường hợp thuộc về các bậc cha mẹ giàu có, mải mê bon chen kiếm tiền, còn việc dạy dỗ con cái chỉ biết phó thác cho nhà trường và xã hội. Những bậc phụ huynh này cũng ít khi quan tâm chú ý đến việc chăm sóc, giáo dục con cái theo nề nếp truyền thống của gia đình, hoặc có quan tâm đi chăng nữa thì mặt phương pháp, nội dung giáo dục lại không phù hợp. Hậu quả của lối giáo dục này lâu ngày góp phần tạo nên tính chai lỳ, bướng bỉnh, dẫn đến việc các em kết bè phái với trẻ sống lang thang bụi đời, lập thành băng nhóm quậy phá, rồi trượt dài theo con đường phạm tội. Trong khi đó cũng có những gia đình khá giả, có nhiều thuận lợi trong cuộc sống lại quá nuông chiều con cái, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi của trẻ đưa ra.
2. Việc giáo dục pháp luật trong nhà trường hiện nay thông qua môn đạo đức, giáo dục công dân đã và đang được cải tiến đáng kể. Tuy nhiên, việc biên soạn nội dung, phương pháp giảng dạy nên phù hợp cho từng lứa tuổi học sinh vì suy cho cùng bộ môn đạo đức, giáo dục công dân có mối liên hệ chặt chẽ với pháp luật, đến sự hình thành ý thức pháp luật của công dân… Yếu tố môi trường xã hội cũng cần được các cấp chính quyền và đoàn thể quan tâm hơn nữa, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa hay các khu vực trọng điểm ở đô thị mà ở đó số thanh thiếu niên vì hoàn cảnh nào đó phải bỏ học, sống lang thang cơ nhỡ, ít có điều kiện tham gia sinh hoạt tập thể trong các tổ chức Đoàn – Đội. Việc giáo dục ý thức pháp luật và lối sống lành mạnh cho đối tượng này không thường xuyên nên các em dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội, từ đó, những em này lôi kéo các em đang học ở các trường THCS hay THPT. Đáng thương nhất là những em học giỏi. Trước áp lực (thậm chí là đe dọa) của những học sinh lười học, có mối quan hệ phức tạp với nhóm trẻ bên ngoài, những em này buộc phải cho bạn xem bài, làm bài giùm bạn mà không dám báo cho giáo viên biết.
3. Việc đấu tranh chống bạo lực học đường còn rất nhiều khó khăn và không dễ gì khắc phục ngay được nhưng chúng ta phải làm bằng được để xây dựng môi trường giáo dục thực sự là môi trường thân thiện, học sinh tích cực. Để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự phối hợp từ cái kiềng 3 chân: Gia đình, nhà trường và xã hội mà trong đó khi một chân lung lay là đã có vấn đề. Trước hết, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được học sinh. Nhà trường cần phải nắm được danh sách những học sinh cá biệt có nguy cơ gây bạo lực để thường xuyên chia sẻ, giáo dục các em. Song song đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con và trực tiếp bảo vệ con mình bằng cách trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản như báo ngay với giáo viên khi có dấu hiệu sẽ bị bắt nạt, hành hung từ những học sinh cá tính khác. Trong gia đình, cha mẹ hãy là tấm gương sáng về hạnh kiểm, biết luôn quan tâm, chia sẻ, động viên, khuyến khích các em; tuyệt đối không để cho con sống vật vờ trong cô đơn, thầm lặng. Nên phát huy và nhân rộng nhiều mô hình hoạt động của tổ chức Đoàn – Đội đã được thực tiễn kiểm nghiệm hoạt động có hiệu quả, thu hút sự tham gia nhiệt tình của lứa tuổi thanh thiếu niên…
Lê Quang Huy
(GV Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)
 
Tăng cường an ninh tại các trường học
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường học tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại đơn vị. Theo đó, các trường học cần tăng cường công tác quản lý học sinh, tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của các em trong việc “nói không với hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội”. Ngoài ra, các trường học cần thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, chú trọng công tác giáo dục đối với những em có hoàn cảnh đặc biệt. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường học phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, Đoàn Thanh niên, ban đại diện cha mẹ học sinh và các đoàn thể ở địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua, tại một số địa phương công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học chưa được thực hiện tốt. Đặc biệt, tình trạng học sinh phổ thông đánh nhau có diễn biến phức tạp. Trong đó, một số vụ học sinh đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, được quay hình đưa lên mạng internet, gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trong nhà trường.
T.B
 
Dạy đạo đức – tiếp cận theo lối cổ nhân
Lật từng trang, từng bài trong cuốn sách nhỏ Quốc văn giáo khoa thư  hay Luân lý giáo khoa thư của Trần Trọng Kim và cộng sự mới thấy sự giản đơn của cách viết sách giáo dục làm người của cổ nhân. Những bài học chỉ đôi ba dòng ngắn gọn, súc tích đến giản lược mà đầy đủ, nhẹ nhàng không thiếu nội dung. Ví dụ, bài Công bình và nhân ái như sau: Bổn phận con người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là công bình và nhân ái. “Không hại người”, tức là công bình; “làm hay cho người”, tức là nhân ái.
Ngày nay, nhiều giáo viên vì muốn học trò ngoan hiền, tài năng nên nóng lòng trau dồi, có thể dẫn đến ép buộc nhồi nhét nhiều triết lý sâu xa vượt tầm hiểu biết của các em. Kiến thức mà mỗi thầy cô giáo mong muốn mang lại cho học trò mình đều đáng trân trọng song vô hình trung làm tăng áp lực lên cả người dạy lẫn người học với biết bao lý thuyết cao siêu khô cứng, lạnh lùng nằm trong mấy trang sách mỗi tiết học ở nhà trường. Thay vào đó, nên chăng mỗi người thầy dành thêm thời gian nhìn lại nghiêm túc cách dạy đạo đức theo kiểu của cha ông trước đây. Tỉ như bài Công bình và nhân ái trên đây. Ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu diễn giải đôi ba dòng, kể chuyện về hành vi tốt, liên hệ thực tế với nhiều tấm gương sáng hiện thời. Hay cho học sinh kể thêm những trường hợp mà các em thấy, cho các em so sánh giữa các nhân vật tốt điển hình của chủ đề bài học và gương mặt phản diện; cuối buổi học không cần nhiều chỉ dành riêng 5 phút cho các em viết vài dòng cảm nghĩ hoặc nhận định riêng mang tính cá nhân hóa không mang tính chất điểm số…
Tuy nhiên, cản lực đối với sự thay đổi là quy định của ngành về cách sắp xếp, bố trí nội dung chương trình dạy, là kiểm tra đánh giá theo quy chuẩn, là sai lệch trong hướng đi chung nhằm định hình về con người của tương lai, là ngại sáng tạo và đầu tư vào tiết dạy của bản thân giáo viên, là dựa trên cái cũ, là ngại va chạm.
Nguyễn Minh Thanh
(GV Trường THCS Hưng Long, Bình Chánh, TP.HCM)
 
 

Bình luận (0)