Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phòng chống cháy nổ tại TP.HCM: Không buông lỏng quản lý!

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 4-4, Thường trực HĐND TP.HCM đã chủ trì phiên họp giải trình về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) của TP trong năm 2016. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP chủ trì phiên họp.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Q.Huy

Bất an trước nguy cơ cháy nổ tại chung cư

Ông Trương Lâm Danh – Trưởng ban Pháp chế HĐND TP – cho biết: “Qua công tác giám sát 1.000 tòa nhà, trung tâm thương mại, siêu thị phát hiện tại đây còn thiếu trên 1.000 thiết bị PCCC. Lý do gì mà những đơn vị này không lắp đặt các thiết bị PCCC?”.

Cùng chung tâm trạng, đại biểu Nguyễn Minh Đức nói: “Chúng tôi đi giám sát thấy tại nhiều chợ, cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, rất dễ xảy ra cháy nổ. Đơn cử như chợ Tân Bình – đây là chợ kinh doanh chủ yếu về hàng may mặc, chỉ cần một bất cẩn là có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Dù đã có quy hoạch, xây mới chợ nhưng đến giờ vẫn chưa khởi công xây mới nếu xảy ra cháy ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Liên quan tới vấn đề này, trong năm 2016 liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ ở chung cư cao tầng khiến người dân bất an, lo lắng. Ghi nhận của lực lượng cảnh sát PCCC, không ít chủ đầu tư cũng như ban quản lý chung cư không quan tâm đến công tác PCCC, thậm chí có chung cư chưa được nghiệm thu PCCC nhưng vẫn đưa dân vào ở, xem thường tính mạng của người dân.

Tại phiên họp, Đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Cảnh sát PCCC TP – báo cáo, hiện trên địa bàn TP có trên 300.000 doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Có 3 khu chế xuất, 14 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao với tổng số 1.221 DN hoạt động; hơn 1.000 cao ốc từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 cao ốc trên 10 tầng. “Đây là những đối tượng mà khi cháy, nổ không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư và sự phát triển kinh tế xã hội của TP”, Đại tá Bửu cho biết.

Chữa cháy nhà cao tầng cực kỳ khó khăn

Đại tá Bửu cho biết thêm, qua vụ cháy ở TP.Cần Thơ cho thấy, một trong những nguyên nhân là do thiếu lối thoát hiểm, hàng hóa để quá nhiều và không đảm bảo các yếu tố về PCCC. TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ cháy vì những lý do này. Nhất là tình trạng để hàng ở tầng dưới, sinh sống ở tầng trên.

Đại tá Trần Thanh Châu – Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP – cũng cho biết, nhiều chung cư, nhà cao tầng vi phạm các quy định về PCCC, đặc biệt là các chung cư được xây dựng trước năm 1975 và trước khi quy định về PCCC có hiệu lực. Chỉ tính từ tháng 12-2016 đến hết quý I/ 2017, toàn TP đã xảy ra 367 vụ cháy, làm chết 19 người và bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản trên 18 tỷ đồng, lực lượng đã cứu được 28 người khỏi các vụ cháy.

Riêng chợ Tân Bình, ngoài những tiểu thương kinh doanh trong chợ, khu vực xung quanh chợ cũng có trên 100 hộ dân vừa ở và kinh doanh rất khó khăn trong công tác PCCC. Chợ này được xây từ năm trước năm 1975 với gần 3.000 hộ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng bông – vải – sợi, đa số vi phạm về công tác PCCC. “Chợ chưa được thẩm duyệt về công tác PCCC, hệ thống điện; chợ có nguy cơ cao về cháy nổ. Trong năm 2016, Cảnh sát PCCC TP đã tham mưu cho quận Tân Bình về kế hoạch, công tác phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được quan tâm nên trong tháng 10-2016 đã xảy ra cháy tại một kho hàng”, Đại tá Châu nói.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi ngay: “TP có cả một hệ thống chính trị, vậy tại sao lại không làm được việc này?”.

HĐND TP đi khảo sát công tác PCCC tại Trung tâm thương mại An Đông. Ảnh: Q.Huy

Đại tá Châu cho rằng, do các quận – huyện chưa làm tốt công tác PCCC nên mới để xảy ra việc “buông lỏng” trong quản lý. Không thể tất cả mọi việc phòng chống cháy nổ đều chỉ một mình cảnh sát PCCC chịu trách nhiệm được. Để hạn chế thấp nhất những sự cố cháy nổ tại chung cư, các cơ sở kinh doanh và các chợ… hơn bao giờ hết, lực lượng Cảnh sát PCCC TP cần có sự phối hợp chặt chẽ của các sở ngành – quận huyện. Kịp thời đưa ra những phương án xử lý mang tính răn đe đối với những tòa nhà cao tầng không đảm bảo về PCCC. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên siết chặt việc cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình, phải đảm bảo hệ thống chữa cháy đúng quy định thì mới cấp phép và đồng ý cho chủ đầu tư bán căn hộ cho dân. Đừng để đến khi xảy ra sự cố cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản rồi mới quy trách nhiệm thì đã quá muộn”.

“Các hộ vừa ở vừa kinh doanh thì càng phải có nhiều bình chữa cháy. Tôi đề nghị TP phải có cơ chế đặc thù để làm việc này. Nếu dân không có điều kiện trang bị thì có thể vận động DN tài trợ, hoặc thay vì nhắc nhở thì phải có chế tài mạnh với những trường hợp vi phạm quy định về PCCC”, Đại tá Bửu đề xuất.

Kết luận tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, công tác PCCC có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là trách nhiệm của cộng đồng xã hội mà chủ lực là lực lượng Cảnh sát PCCC TP. Tuy nhiên, công tác PCCC vẫn có diễn biến phức tạp, đó là trong quý I – 2017 lại tăng về số vụ và số người chết. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do điện. Vậy giải pháp của ngành điện ở đâu? Không thể đổ lỗi hết cho người sử dụng điện. Quan trọng là công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo của ngành điện, của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị phải được đẩy mạnh hơn nữa. HĐND TP ghi nhận các kiến nghị của lực lượng cảnh sát PCCC và sẽ đề nghị UBND TP chỉ đạo khắc phục triệt để, đồng thời chỉ ra những đơn vị nào còn buông lỏng công tác PCCC…

Lê Quang Huy

Bình luận (0)