Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phòng chống cháy nổ trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh sát PCCC Q.1 thực
hiện “chữa cháy” tại Sở GD-ĐT TP.HCM chiều 26-10
 

Cả cơ quan náo loạn, từng tốp
người lần lượt di chuyển xuống đất bằng hai cầu thang bên hông tòa nhà. Một lúc
sau, tiếng còi xe cứu hộ của Đội Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Q.1 vang lên, hối
hả đi về nơi xảy ra vụ cháy… Đó là diễn biến của buổi diễn tập phương án chữa
cháy và cứu nạn – cứu hộ tại Sở GD-ĐT TP.HCM vào chiều 26-10.
Nhanh gọn, hiệu quả
PCCC luôn là một công tác được
các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bất cứ lúc nào, bất cứ
nơi đâu cũng có thể xảy ra đám cháy gây thiệt hại về con người và tài sản, gây
hoang mang cho những người sinh sống xung quanh. Và công tác này lại càng quan
trọng hơn đối với các đơn vị giáo dục bởi đây là nơi tập trung đông học sinh, mọi
diễn biến khi có cháy nổ xảy ra sẽ rất khó khăn. Vụ cháy lớn tại Trường Mầm non
Hoa Mai và Trường THPT dân lập Thăng Long là một ví dụ điển hình về cháy nổ
trong trường học. Là cơ quan đầu não của ngành GD-ĐT TP.HCM, Sở GD-ĐT đã đi đầu
trong việc thực hiện công tác này.
Buổi diễn tập được diễn ra
trong vòng 30 phút với sự tham gia của 52 cán bộ công nhân viên Sở GD-ĐT TP.HCM
chia thành nhiều tổ: thông tin, di chuyển tài sản, hướng dẫn di chuyển, cứu nạn…
“Đám cháy” được bắt đầu từ lầu 4 khi một nhân viên tại khu vực này dùng bình CO2 tạo giả khói. Cùng thời điểm đó, chuông báo
cháy ở khu vực tầng 4 vang lên, báo hiệu về sự cố cháy. Đội xử lý cháy sau khi
nhận được thông tin lập tức cắt điện toàn bộ và báo động cho toàn bộ CB, CNV
trong tòa nhà. Đồng thời, một nhân viên thuộc bộ phận này cũng gọi điện cho
Phòng Cảnh sát PCCC, UBND và Công an Q.1 để điều động lực lượng, phương tiện
tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tại khu vực cầu thang, hành lang trên
các khu vực tòa nhà, đội hướng dẫn thoát nạn nhanh chóng đưa CB, CNV trong tòa
nhà di chuyển theo hai lối đi đã được bố trí sẵn. Lúc này, đội chữa cháy ban đầu
gồm 15 người với các phương tiện: bình chữa cháy, lăng, vòi nước cũng di chuyển
xuống nơi có đám cháy và bắt đầu công tác cứu hộ tại chỗ. Hơn 5 phút sau khi xảy
ra sự cố “đám cháy”, lực lượng cảnh sát PCCC Q.1 đã kịp thời có mặt, tiếp tục
cùng đội chữa cháy ban đầu xử lý sự cố. Tuy công tác di chuyển người khá tốt,
song vẫn còn hai nạn nhân bị kẹt lại trong tòa nhà. Ngay lập tức, sáu đội viên
kịp thời tìm kiếm nạn nhân và đưa xuống nơi an toàn bằng cầu thang cứu hộ của
PCCC. Tổng thời gian di chuyển người và tài sản chỉ diễn ra trong vòng 7 phút.
Ngoài ra, Đội PCCC cơ quan Sở GD-ĐT còn cắt cử người làm nhiệm vụ trông coi tài
sản, bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực tòa nhà…
Cần thuần thục hơn khi xử lý
sự cố
Theo ông Huỳnh Quang Tuyến,
Phó phòng Cảnh sát PCCC Q.1, mọi công tác của buổi diễn tập diễn ra khá thành
công, các tổ thực hiện đúng theo kế hoạch đã đưa ra. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý
một số khuyết điểm để xử lý trong trường hợp xảy ra cháy nổ thật, đó là tâm lý
của mọi người thường rất hoang mang, không biết cách xử lý tình huống dẫn đến
có những hành động không thể lường trước. Bên cạnh đó, rất nhiều phần tử xấu lợi
dụng sự hỗn loạn trà trộn vào để “hôi” của. Do đó, sở cần phối hợp chặt chẽ với
các lực lượng như công an, cứu hộ, chính quyền địa phương để kịp thời có biện
pháp xử lý tình huống. Bên cạnh đó, công tác cứu nạn, cứu hộ tại chỗ của những
người nơi xảy ra vụ việc là rất quan trọng. “Không phải cứ trang bị phương tiện
chữa cháy hiện đại là có thể yên tâm mà còn phải tập cho những người cùng làm
việc trong tòa nhà đó biết cách xử lý khi xảy ra cháy nổ. Cách đây bốn năm, tại
tòa nhà Saigon Trade Center (33 tầng) có xảy ra một vụ cháy. Đám cháy được bắt
đầu từ một căn nhà kho chuyên đựng giấy tờ với diện tích khoảng 10m2. Điều đáng nói là
toàn bộ khu nhà được trang bị những phương tiện chữa cháy rất hiện đại nhập từ
nước ngoài về nhưng nhân viên ở đó lại không biết cách sử dụng. Khi xe cứu hỏa
của Đội PCCC tới nơi thì lượng khói và nhiệt đã lan ra xa, gây khó khăn cho việc
tiếp cận đám cháy và phải mất một khoảng thời gian khá lâu đám cháy mới được dập
tắt. Trong trường hợp này, nếu các nhân viên biết cách phối hợp chữa cháy tại
chỗ thì đã không xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế”, ông Tuyến nhớ lại.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc
kiêm Đội trưởng Đội PCCC Sở GD-ĐT nhận định, tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời
gian ngắn nhưng CB, CNV sở đã hình dung được các sự việc sẽ diễn ra nếu sự cố
thật xảy ra. Ngoài việc diễn tập, tòa nhà của sở được trang bị khá đầy đủ các
thiết bị chữa cháy nên các nhân viên khá thuận tiện trong công tác PCCC. Mỗi tầng
đều được trang bị 3 bình chữa cháy khí CO2, 2 vòi phun nước. Hệ thống cầu thang bộ được trang bị
cửa chống cháy nên khi xảy ra sự cố, khói và nhiệt không thể xâm phạm tới. Hành
lang sắt ngoài trời luôn được chùi rửa để không bị rêu bám, tạo sự thuận tiện
cho việc di chuyển. “Sau sự việc này, chúng tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm
cần thiết cho mình. Sở sẽ tổ chức tập huấn hàng năm cho CB, CNV về công tác
PCCC để hình thành thói quen đối phó với tình huống thật”, ông Nam khẳng định.
Bài, ảnh: Ngọc
Anh

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)