Theo thống kê đến nay đã có 24 quốc gia với gần 2.400 người được xác định là dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có trên 40 ca tử vong. Với tính chất nguy hiểm của loại cúm này, WHO đã tăng mức cảnh báo lên cấp 5. Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo Dục TP.HCM đã phỏng vấn bác sĩ Phan Văn Nghiệm (ảnh) – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM.
Trước tính chất nguy hiểm của cúm A/H1N1, ngành y tế thành phố đã có những biện pháp phòng chống dịch như thế nào?
Mỗi năm TP.HCM tiếp nhận khoảng 12 triệu lượt khách. Đặc biệt là khách nước ngoài, mỗi ngày có khoảng 7 ngàn người nhập cảnh ở sân bây Tân Sơn Nhất. Trong đó số lượng khách đến từ vùng dịch, lúc đầu chỉ có trên 300 người nay tăng lên 1 ngàn người. Theo đó, chúng tôi đã giám sát chặt chẽ ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Qua đó phát hiện và đưa hơn 10 người có thân nhiệt cao vào Bệnh viện Nhiệt đới và Nhi đồng I để điều trị. Tất cả đều âm tính với cúm A/H1N1. Ngoài ra, chúng tôi còn giám sát đường tàu biển, bến cảng từ phao số 0 ở Vũng Tàu. Các thủy thủ tàu, thuyền viên trên những chuyến tàu từ hải phận quốc tế vào Việt Nam đều được kiểm tra trước khi vào đất liền.
Vấn đề lo lắng nhất hiện nay là việc giám sát ở cửa khẩu đường biên giới của nước ta với Lào, Campuchia. Long An và Tây Ninh là hai tỉnh sát với TP.HCM, cũng đã tăng cường giám sát. Tuy nhiên do đường biên giới dài tới mấy trăm km nên không phải ai cũng giao lưu qua cửa khẩu kiểm soát. Mặt khác, lượng khách quốc tế đến Lào, Campuchia khi qua đường bộ tới Việt Nam không phải là ít. Do đó nguy cơ “lọt” là có thể. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức giám sát ở ngoài cộng đồng. Nghĩa là khi du khách đến TP.HCM, họ cư ngụ ở một địa phương nào đó thì khu phố, tổ dân phố sẽ giám sát. Như vậy ngành y tế có thể nắm bắt ngay những thông tin về sức khỏe (những dấu hiệu bất thường) của du khách trong một thời gian sớm nhất (tính bằng giờ và phút). Qua đó có điều kiện giúp đỡ cho khách cũng như ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Tại các khách sạn, nhà trọ mà khách quốc tế đến ở, ngành y tế phối hợp chặt với ngành du lịch để kịp thời có thông tin từ du khách…
Sau khi cúm A/H1N1 (trước đây gọi là cúm heo), nhiều người, thậm chí có không ít trường bán trú không dám cho học sinh ăn thịt heo vì sợ lây bệnh. Trước thực trạng này, bác sĩ có khuyến cáo gì không?
Mặc dù cúm A/H1N1 không phải là cúm heo, tuy nhiên chúng ta phải cảnh giác nguồn thực phẩm không an toàn. Nhà trường và người dân chỉ mua thực phẩm có đóng dấu của thú y để có độ an toàn cao. Còn thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc dễ mua nhầm phải thịt ôi, thịt heo bệnh. Sở Y tế không khuyến cáo người dân tẩy chay thịt heo nhưng khuyến cáo người dân mua thịt có nguồn gốc rõ ràng.
Để phòng bệnh, người dân nói chung và các trường học nói riêng cần phải làm gì thưa bác sĩ?
Trong vấn đề phòng bệnh, người dân phải thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, môi trường xung quanh.
Các trường bán trú, mầm non càng phải thực hiện tốt vấn đề này. Cụ thể, mỗi ngày phải vệ sinh 1 lần, tốt nhất là 2 lần, đặc biệt là toilet, nơi học sinh ngủ, nhà ăn, đồ chơi của trẻ (ở trường mẫu giáo) phải được khử khuẩn bằng cloramin B. Các trường có thể liên hệ với y tế địa phương để được cấp cloramin B miễn phí…
Thầy cô giáo và các em học sinh phải tuân thủ theo khuyến cáo của ngành y tế. Vì học sinh không chỉ ở trường mà còn về nhà tiếp xúc với gia đình, tiếp xúc ở cộng đồng. Do vậy, các em có thể lây bệnh từ bên ngoài rồi đem vào trường lây cho các bạn.
Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu nhận biết của bệnh cúm A/H1N1?
Dấu hiệu trước tiên của bệnh là sốt trên 38 độ, cúm – hắt hơi, sổ mũi, ho. Có một số trường hợp còn bị tiêu chảy. Song, đối với khu vực nhà trường, chỉ cần học sinh sốt trên 38 độ thì phải báo ngay cho y tế. Không cần đợi đến lúc ho, hắt hơi, sổ mũi vì đây là những dấu hiệu có thể xuất hiện sau khi sốt. Do vậy, đợi đến lúc này thì tôi cho rằng là hơi chậm. Nhà trường cần tuyên truyền để học sinh hiểu, khi có dấu hiệu bất thường thì phải báo cho thầy, cô giáo.
Cũng phải khẳng định rằng, đến giờ phút này ở Việt Nam chưa xác định một ca nội tại nào dương tính hoặc nghi nhiễm cúm A/H1N1, vì vậy người dân không nên quá hoang mang.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Hòa Triều (thực hiện)
Bình luận (0)