Sự kiện giáo dụcTin tức

Phòng chống cúm A/H1N1 tại trường học: Trước giờ G…

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến đeo khẩu trang ngăn ngừa dịch cúm A/H1N1

Cuối tuần này (15-8), các trường phổ thông trên địa bàn thành phố sẽ bước vào năm học mới. Để có một năm học không dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm A/H1N1, ngày 11-8, Sở Y tế đã gửi cho Sở GD-ĐT 10 tấn dung dịch cloramin B để các trường khử khuẩn và làm vệ sinh…
Đẩy mạnh công tác vệ sinh và truyền thông
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP thì: “Bước vào năm học mới, trường học không chỉ đối diện với dịch bệnh cúm A/H1N1 mà còn phải chống chọi với bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng. Do đó, công tác vệ sinh môi trường rất quan trọng…”. Vì vậy, theo đề nghị của Sở GD-ĐT, Sở Y tế đã cung cấp cho ngành GD 10 tấn dung dịch cloramin B. Theo đó, Sở GD-ĐT đưa xuống các trường để nhà trường tổng vệ sinh – nhất là những khu vực nhạy cảm như bếp ăn, căn tin, nhà vệ sinh, trước khi học sinh tựu trường. Công tác khử khuẩn, sát trùng sẽ được các trường thực hiện ít nhất 1 lần/tuần cho đến hết năm học 2009-2010…
Không chỉ vệ sinh trường học, mà thầy và trò trong trường còn phải thực hiện vệ sinh cá nhân. Thường xuyên rửa tay bằng xà bông, không đưa tay lên miệng – mũi – mắt, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn…
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Liên Sở GD-ĐT và Sở Y tế, các trường phải đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông.
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP cho biết: “Ngành y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện phối hợp với phòng GD-ĐT tập huấn phương pháp phòng chống dịch bệnh cúm A/H1N1 cho 100% cán bộ, giáo viên và công nhân viên trong trường học. Từ đó, nhà trường sẽ tập huấn lại cho học sinh, phụ huynh”.
Trước đó, Sở Y tế đã thành lập 6 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại khu vực trường học. Bà Tô Thị Kim Hoa – Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Qua kiểm tra tại một số trường, chúng tôi nhận thấy công tác truyền thông vẫn chưa tốt. Theo tôi, để công tác truyền thông đạt được hiệu quả, chúng ta nên treo ở sân trường những tờ pích chương lớn. Qua đó mà học sinh có thể dễ dàng đọc được những thông tin ngành y tế muốn truyền tải. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên sản xuất đĩa (tiếng) truyền thông nâng cao kiến thức phòng chống dịch cúm gửi cho các trường. Vào giờ ra chơi, nhà trường sẽ mở cho học sinh nghe…”.
Khảo sát tại một số trường ở Q.1, Q.3, Q.4, Q.7, Q.10, Bình Thạnh, Tân Bình… chúng tôi nhận thấy hầu hết các trường đều đã thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng chống cúm A/H1N1 do hiệu trưởng làm trưởng ban. Ở nhiều trường đã dán nội dung truyền thông phòng chống dịch bệnh tại bảng thông báo để phụ huynh, học sinh theo dõi…
Giáo viên, bảo mẫu giám sát sức khỏe cho từng học sinh

Các trường học đã sẵn sàng cách ly học sinh khi có dấu hiệu cúm

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu cho biết: “Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Trước đây, bệnh thường lây từ người bệnh ở nước ngoài về nhưng nay bệnh đã lây lan trong cộng đồng. Thậm chí, trong tuần qua, tại thành phố đã xuất hiện rải rác một vài ca bệnh không rõ nguồn gốc. Vì vậy, khu vực trường học phải cảnh giác cao độ…”.
Theo đó những học sinh có dấu hiệu như sốt, đau họng, sổ mũi… thì phải nghỉ học để cách ly tại gia đình. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lo ngại nếu con họ nghỉ học sẽ bị mất bài, bị trừ điểm thi đua… Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP khẳng định: “Sẽ không trừ điểm thi đua về chuyên cần của cá nhân và tập thể lớp khi học sinh nghỉ học do có những triệu chứng cúm hoặc thực hiện giám sát cách ly. Đồng thời, nhà trường cũng có kế hoạch phụ đạo cho những học sinh này khi trở lại học tập…”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ở một số trường ngoài công lập đang tiến hành đo thân nhiệt cho học sinh mỗi ngày. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Văn Châu cho rằng: “Ngành y tế và giáo dục đã thống nhất, mỗi giáo viên, bảo mẫu phải có trách nhiệm giám sát sức khỏe của từng học sinh, khi phát hiện các em có dấu hiệu bất thường là cho cách ly ngay. Vì vậy không cần thiết phải đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp. Mặt khác, hiện nay cúm A/H1N1 đã có sự biến chuyển, ở một số ca dương tính hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng như sốt, ho. Do đó việc đo thân nhiệt không phải là cách giám sát bệnh tốt nhất. Cách tốt nhất là tập huấn nâng cao kiến thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như cộng đồng tới từng cá nhân giáo viên, học sinh…”.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng cho biết là đã chỉ đạo các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT quận, huyện tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng chống cúm A/H1N1 tại tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn. “Đây là một nội dung quan trọng trong đánh giá, khen thưởng hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân và đơn vị trong năm học 2009-2010”, ông Đạt nhấn mạnh.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)