Sự kiện giáo dụcTin tức

Phòng chống cúm A/H1N1 trong trường học: Phụ huynh bất hợp tác, dịch bệnh bùng phát

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều học sinh không thèm đeo khẩu trang dù trường đã có nhiều ca bệnh (ảnh chụp tại Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến)

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP.HCM đã có hơn 10 trường từ mầm non đến cao đẳng, đại học có học sinh dương tính với cúm A/H1N1. Trong đó có 3 trường đã “biến” thành bệnh viện dã chiến. Sở dĩ, dịch bệnh tăng nhanh theo cấp số nhân như hiện nay, một phần không nhỏ là do sự bất hợp tác của phụ huynh với nhà trường…
Sốt vẫn đi học
Tại buổi tọa đàm “Đại dịch cúm A/H1N1 – cách phòng chống trong trường học” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức mới đây, bà Bùi Thị Kim Chuộng – Phó phòng GD-ĐT huyện Củ Chi tâm tư: “Theo báo cáo từ các trường thì khi học sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nhà trường yêu cầu cho các em nghỉ học nhưng phụ huynh không đồng ý”.
Thực trạng này không chỉ xảy ra ở huyện Củ Chi mà xảy ra tại hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Sáng 19-8, tại Trường THCS Lam Sơn, Q.6 đã phát hiện 15 học sinh bị sốt, ngay sau đó những học sinh này đều được cách ly. Tuy nhiên, trong trường vẫn còn học sinh bị sốt nhưng nhà trường không biết. Đó là một nam học sinh của lớp 8/5. Khoảng 10 giờ trưa ngày 19-8, phụ huynh của em này tới trường và nói với bảo vệ là muốn gặp con để kiểm tra xem còn sốt hay không. Chị nói: “Sáng hôm qua (18-8), ngủ dậy, thằng bé kêu là hơi mệt, sờ đầu con tôi thấy nóng. Vẫn biết đang là thời điểm của dịch bệnh nhưng thấy con vẫn đi lại được nên tôi cho nó tới trường. Hôm nay, sợ con có chuyện nên đang giờ làm tôi phải xin ra ngoài để tới trường thăm nó…”.
Với ổ dịch tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM thì: “Nguyên nhân là do trong trường có một học sinh vừa đi du lịch ở Thái Lan về và nhiễm cúm, sau đó lây cho các học sinh khác trong trường”. Sở Y tế TP đã từng khuyến cáo, những người trở về từ vùng dịch nên đi kiểm tra sức khỏe. Thế nhưng phụ huynh của học sinh này đã bỏ qua khuyến cáo của ngành y tế và vô tư đưa con tới trường. Rốt cuộc là đã biến Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thành một ổ dịch với hàng chục học sinh nhiễm bệnh. Trường cũng đã phải đóng cửa và lùi ngày tựu trường lại một tuần.
Cô Nguyễn Đào Hoa Phượng – Cán bộ y tế Trường THCS Hậu Giang cũng cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều học sinh trong trường bị sốt nhưng không phải trường hợp nào cũng được phụ huynh đưa đi xét nghiệm. Có trường hợp, khi phát hiện học sinh có triệu chứng cúm A/H1N1, nhà trường yêu cầu phụ huynh đưa con đi xét nghiệm. Phụ huynh hỏi lại: “Nhà trường có thể hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho học sinh không, gia đình chúng tôi không có đủ tiền”…”. Hậu quả của sự bất hợp tác này là nhiều học sinh trong trường bị nhiễm bệnh.
Bệnh là phải nghỉ học
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi thói quen của phụ huynh để làm sao khi con bệnh là phải cho nghỉ học. Ở nhiều nước trên thế giới, cứ bệnh (bất kể bệnh nhẹ hay nặng) là nghỉ học, nghỉ làm. Bởi khi mắc bệnh mà đi làm, đi học thì sẽ không đạt hiệu quả”.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, sở dĩ phụ huynh cứ bắt học sinh phải đi học khi mắc bệnh là do sợ con mất bài, bị trừ điểm chuyên cần. Mặt khác, “Cho con nghỉ học thì ai giữ”, chị Sinh – phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh tâm tư. Bởi vậy, khi con bệnh chị thường gửi thuốc vào trường nhờ bảo mẫu hoặc cô giáo chủ nhiệm cho con uống. Chỉ khi nào con nằm bẹp giường hay phải nhập viện thì mới cho nghỉ học. “Lúc đó không chỉ con nghỉ mà mẹ cũng phải nghỉ. Mẹ nghỉ thì cũng bị trừ lương, trừ điểm thi đua…”, chị Sinh nói.
Trước những lo lắng của phụ huynh, ngành giáo dục đã thống nhất không trừ điểm chuyên cần của học sinh khi nghỉ học do bệnh. Về chương trình, những em này sẽ được phụ đạo để đảm bảo không bị bất bài. Còn ngành y tế cũng kiến nghị với UBND TP cho phụ huynh được nghỉ làm hưởng lương khi con bị bệnh phải nghỉ học.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng I khẳng định: “80% ca bệnh cúm A/H1N1 tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Cho đến thời điểm này thì cúm A/H1N1 nhẹ hơn cúm mùa và nhẹ hơn bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết. Số ca tử vong do mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng cao hơn so với số ca tử vong do mắc bệnh cúm A/H1N1”. Nhưng so với các bệnh truyền nhiễm khác thì cúm A/H1N1 lại lây lan nhanh nhất. Một học sinh mắc bệnh có thể lây cho 10 học sinh khác, 10 học sinh này lại lây cho 100 học sinh khác… “Do đó khi học sinh bệnh thì nhất quyết phụ huynh phải phối hợp với nhà trường để con ở nhà”, bác sĩ Thọ nhấn mạnh.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Tâm sự của người sống chung với dịch cúm A/H1N1
Chuẩn bị cho ngày tựu trường năm học mới. Chúng tôi rất lo lắng khi trước đó đã có những thông tin trên báo đài, đã có một vài trường có học sinh nhiễm cúm A/H1N1, và một vài trường đã trở thành bệnh viện dã chiến.
Thứ hai ngày 17-8-2009 tất cả các học sinh cấp 2 và 3 Trường THPT Duy Tân đều tập trung đến trường. Chiều tối thứ ba ngày 18-8, những điều gì chúng tôi lo sợ đã đổ ập đến trường. Theo thông báo của các cơ quan liên ngành giáo dục, y tế TP.HCM là Trường Duy Tân đã có 3 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Ngay lập tức 15 cháu có tiếp xúc gần với 3 học sinh nhiễm cúm đã được cách ly điều trị tại bệnh viện. Tất cả hơn 800 học sinh khác đều được kiểm tra sức khỏe và thông báo nghỉ học một tuần từ 19 đến 25-8-2009.
Những ngày qua, sống chung trong vùng dịch cúm A/H1N1 để giải quyết mọi việc liên quan đến sức khỏe của học sinh và tiếp xúc trả lời phụ huynh học sinh, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm thực tế về phòng chống dịch cúm.
Đối với học sinh: tình hình dịch cúm A/H1N1 kéo dài không biết đến bao giờ mới chấm dứt mà học sinh thì không thể không đến trường. Đối với học sinh bán trú, buổi chiều các cháu về nhà với gia đình, các cháu có tiếp xúc với ai ngoài xã hội chúng tôi cũng không thể biết, mà ngay phụ huynh cũng không thể cấm đoán các cháu tiếp xúc với các môi trường trong xã hội. Đối với học sinh nội trú, thứ bảy, chủ nhật về với gia đình, gia đình cũng khó quản lý khi các cháu tiếp xúc trong cộng đồng. Khi học sinh đến trường, nhà trường đo thân nhiệt và khi thấy một số cháu có biểu hiện sốt, nhà trường cách ly và báo cho PHHS đưa cháu đi khám bệnh hoặc chủ động cho cháu đến bệnh viện điều trị khi gia đình chưa kịp đến. Như thế không thể buộc cho nhà trường cụm từ: “nhà trường là ổ dịch cúm A/H1N1” mà chính nhà trường mới là nơi an toàn nhất phát hiện kịp thời dịch bệnh và có biện pháp phối hợp tích cực với gia đình trong việc điều trị cho các học sinh, vì bệnh cúm A/H1N1 có nguy cơ tử vong nếu bệnh không được phát hiện sớm.
Việc cung cấp thông tin trung thực, kịp thời về dịch bệnh là điều nhà trường phải nghiêm túc thực hiện nhằm giúp các cơ quan báo đài thông tin đầy đủ đến người dân. Nếu người dân hiểu đầy đủ thông tin sẽ không chủ quan và cũng không quá hoang mang với dịch bệnh. Một phụ huynh học sinh gọi điện thoại cho Ban giám hiệu Trường Duy Tân thắc mắc là gia đình ông ở tỉnh đã đón học sinh về an toàn, nhưng hôm qua khi thấy cháu ho và sốt, gia đình đưa cháu đến bệnh viện và khi biết cháu là học sinh Trường Duy Tân, bệnh viện bèn cho cháu nhập viện ngay với lý do từ ổ dịch cúm Trường Duy Tân về. Chúng tôi phải giải thích việc bệnh viện nghi ngờ và cho cháu nhập viện để theo dõi điều trị là điều tốt, gia đình cứ yên tâm vì nếu cháu bị lây bệnh cúm mà phát hiện kịp thời để điều trị sẽ tốt hơn là không biết. Nhưng cũng có phụ huynh sợ rằng, nếu cháu không bị cúm A/H1N1 mà bệnh viện điều trị theo phác đồ điều trị cúm A/H1N1 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu sau này.
Cô Nguyễn Thị Sơn (Trường Duy Tân)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)