Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phòng chống đuối nước: Giảm thiểu tai nạn

Tạp Chí Giáo Dục

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra một số vụ HSSV tử vong do đuối nước. Trong đó có những vụ tai nạn xảy ra ngay cạnh trường học, có vụ nhiều nạn nhân tử vong trong cùng một gia đình hoặc có quan hệ họ hàng. Nhằm đảm bảo an toàn cho các em, mới đây Bộ GD-ĐT đã phát đi Công văn 5675/BGDĐT-GDTC đề nghị ngành giáo dục tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho HSSV.

Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (giai đoạn 2016-2020) đặt mục tiêu đạt 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước

Nhiều vụ tai nạn thương tâm

Từ đầu năm đến nay, ở một số địa phương liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Điển hình như vụ đuối nước xảy ra gần đây tại Trường Mầm non Phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) vào ngày 1-11. Sau khi kết thúc giờ chơi, cô giáo phụ trách chuẩn bị cho HS ăn thì phát hiện bé T. (2 tuổi) mất tích. Giáo viên nhà trường túa đi tìm kiếm nhưng không thấy. Khoảng 30 phút sau, một người dân phát hiện thi thể bé T. trong một khoảng ruộng hoang cách trường gần 200 mét. Bà Đặng Thị Hồng Ân (Trưởng phòng Giáo dục mầm non – Sở GD-ĐT Quảng Bình) cho biết, do nhà trường đang có hạng mục xây dựng nên đã mở cổng ít phút để xe chở vật liệu vào trong, bé T. có thể ra ngoài vào lúc này nên cô giáo không biết. Tương tự, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, vào ngày 21-9 cũng xảy ra vụ tử vong tại hố công trình khai thác đất san lấp mặt bằng khu tái định cư bên cạnh khuôn viên Trường THCS Đào Duy Từ (xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia). Vụ việc xảy ra khi nhà trường tổ chức cho HS lao động, dọn dẹp vệ sinh trong trường. Khi đó em Nguyễn Xuân An (14 tuổi) và Lê Đình Mạnh (14 tuổi) cùng học lớp 8A đến sớm nên xuống hố nước tắm. Chờ mãi không thấy hai bạn lên, một HS liền báo với thầy giáo, nhưng khi giáo viên và bảo vệ lao xuống hố nước cứu hai em thì đã muộn. Được biết hố nước này sau những trận mưa lớn đã bị ngập sâu hơn mọi khi.

Tai nạn đuối nước không chỉ xảy ra với những trẻ em còn nhỏ tuổi, vào ngày 4-6 trên địa bàn xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cũng đã xảy ra vụ đuối nước khiến một nam sinh đại học năm 4 tử vong. Nạn nhân được xác định là Vũ Xuân Hiếu (24 tuổi, sinh viên năm 4 Đại học Y khoa Vinh). Tương tự như ở các miền ngoài, địa bàn sông nước như vùng ĐBSCL cũng là nơi từng xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước đối với trẻ em.

Tăng cường tuyên truyền và quản lý HS-SV

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, thời gian gần đây ở một số địa phương còn xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích làm nhiều HSSV bị thương, thậm chí bị tử vong gây sự lo lắng, bất an cho gia đình và xã hội. Ngoài những vụ tai nạn do thiên tai gây ra, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn do cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp, hoặc do sự hiếu động, thích tò mò, khám phá của HS, thiếu sự kiểm soát của người lớn (ngã, bỏng, đuối nước…), trong khi các em chưa đủ kiến thức, kỹ năng phòng, tránh.

Theo thống kê của Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ em tử vong do gặp phải các tai nạn thương tích. Trong đó tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50%. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, giai đoạn 2016-2020. Mục đích nhằm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước xuống dưới 6% (so với năm 2015), đạt 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn.

Nhằm đảm bảo an toàn đối với HSSV, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường ĐH, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của HSSV về việc  tuân thủ các quy định về phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước; quán triệt nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong quản lý HSSV nhằm đảm bảo an toàn cho các em trong môi trường trường học; chú trọng tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho HSSV.

Đối với HS phổ thông, Bộ GD khuyến cáo các trường cần thường xuyên quán xuyến, nhắc nhở HS tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không được tự ý hoặc rủ nhau tắm sông hoặc đi bơi mà không có người lớn đi cùng. Theo đó, công tác tuyên truyền về phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho HSSV có thể thực hiện trong các giờ sinh hoạt tập thể hoặc vào những thời điểm phù hợp tùy vào điều kiện của từng đơn vị. Bên cạnh đó, trường cũng cần chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt…, nhằm đảm bảo an toàn cho HSSV.

Bài, ảnh: Vũ Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)