Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phòng, chống HIV/AIDS: Kinh phí bị cắt giảm nghiêm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 2 ngày 15 và 16-6, tại TP.HCM, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị tập huấn truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho nhà báo tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, 5 tháng đầu năm 2015, cả nước phát hiện 3.204 người nhiễm HIV mới, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS là 1.326 người, số người nhiễm HIV tử vong: 438 người. Tích lũy từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên (tháng 12-1990) đến nay cả nước có 227.114 người nhiễm HIV đang còn sống, số bệnh nhân AIDS: 71.115 người, số người nhiễm HIV tử vong: 74.442 người. Dịch tập trung chính vào các nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm, đồng tính nam, vợ/bạn tình người nhiễm…

Công tác phòng chống đại dịch HIV/AIDS ở nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn. ThS. Cao Kim Thoa – Phó trưởng phòng Truyền thông và huy động cộng đồng, Cục Phòng chống HIV/AIDS – cho biết: Số người nhiễm HIV mới, người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS hàng năm tuy có giảm nhưng chưa sâu, chưa bền vững. Thậm chí ở một số tỉnh (chủ yếu là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số), số người nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục tăng. Không những vậy, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Cụ thể, năm 2013, 28 bệnh truyền nhiễm có 262 người tử vong, trong khi đó riêng HIV/AIDS có 2.299 người tử vong…

Nguyên nhân của thực trạng này là do các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS biến đổi phức tạp, khó kiểm soát, khó can thiệp. Chẳng hạn như từ nghiện chích ma túy chuyển sang ma túy tổng hợp, mại dâm nam, tình dục đồng giới nam, kết hợp nhiều yếu tố nguy cơ: Ma túy + tình dục đồng giới nam + mại dâm + tình dục tập thể… Trong khi đó, mức độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Bao cao su và bơm kim tiêm chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, điều trị thay thế bằng Methadone chỉ đáp ứng được 22%, và điều đáng quan ngại hơn là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận các dịch vụ này.

Không những vậy, “Kinh phí phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm nghiêm trọng. Trong thời gian qua, 80% kinh phí phòng chống HIV/AIDS ở nước ta dựa vào viện trợ nước ngoài, 100% tiền thuốc Mathadone là tiền viện trợ, 95% tiền thuốc ARV (thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV) là viện trợ – khoảng 700 tỷ đồng/năm. Ngay cả nhân lực ở các điểm điều trị ARV… cũng do dự án viện trợ trả lương. Hiện nay nhiều dự án viện trợ đã kết thúc, một số dự án còn lại đang giảm mạnh kinh phí. Điển hình như đến năm 2017, Tổ chức PEPFAR sẽ cắt viện trợ. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cũng cắt giảm nghiêm trọng, từ 245 tỷ đồng (năm 2013) xuống còn 83 tỷ đồng (năm 2014). Việc xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, bảo hiểm y tế chưa tham gia chi trả cho các bệnh nhân này vì sợ vỡ quỹ”, TS. Hoàng Đình Cảnh – Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết.

Với những khó khăn và thách thức này, “Việt Nam sẽ khó có thể chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 nếu không nhanh chóng chuyển đổi từ phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang phòng, chống HIV/AIDS lồng ghép vào hệ thống y tế, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước (chủ yếu là ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế)”, ông Cảnh khẳng định.

Kim Anh

Bình luận (0)