Nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12), Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam đầu tư hiệu quả hơn cho công tác phòng, chống AIDS để nhanh chóng tiến tới mục tiêu ba không (không người nhiễm HIV mới, không người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, không bệnh nhân AIDS tử vong).
TS. Kristan Schoultz – Giám đốc UNAIDS Việt Nam và Chủ tọa nhóm phối hợp chương trình về HIV của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong phòng, chống HIV. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn phải vượt qua. Điều quan trọng là Việt Nam cần tập trung các nguồn lực vào ba ưu tiên: Đúng người, đúng chỗ và mở rộng các chương trình can thiệp có hiệu quả nhất. Trong đó, đúng người là nhắm đúng vào các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, gồm người tiêm chích ma túy và bạn tình của họ; người mua và người bán dâm; những người nam quan hệ tình dục đồng giới. Chúng ta cần với được tới các nhóm người này tại các khu vực có dịch HIV cao để cung cấp cho họ các dịch vụ có ích nhất trong việc giảm lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch, dịch vụ xét nghiệm và điều trị kháng HIV”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở rộng đáng kể chương trình điều trị kháng HIV và giảm được nhiều ca nhiễm mới. Dịch HIV đã có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao tại nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục giữ ở mức báo động. Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam tiêm chích ma túy là 11%, nhóm phụ nữ bán dâm là 2,7%. Các bằng chứng hiện có cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang tăng lên, và nhóm này sẽ ngày càng lớn hơn trong tổng số người sống với HIV tại Việt Nam.
TS.BS Takeshi Kasai – đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu: “Chúng ta giờ đã biết rằng điều trị có thể dự phòng lây nhiễm HIV. Với việc thúc đẩy hơn nữa tiếp cận sớm đến chẩn đoán và điều trị kháng HIV, Việt Nam sẽ giảm được nhiều hơn nữa các ca nhiễm mới và trường hợp tử vong do AIDS”.
WHO kêu gọi, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng cường tiếp cận của các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao tới các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ. Việc này có thể thực hiện được thông qua củng cố sự phối hợp giữa Bộ Y tế và các nhóm cộng đồng; khuyến khích triển khai các chiến lược tư vấn, xét nghiệm HIV một cách chủ động và đơn giản hóa; tối ưu hóa những lợi ích về cả điều trị và dự phòng của điều trị kháng HIV (ART).
K.Anh
Bình luận (0)