Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phòng chống tác hại của thuốc lá: Nhiều bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

“Trong ba năm trở lại đây, từ báo cáo của gần 1.200 bệnh viện gửi về Bộ Y tế cho thấy, trung bình 100 bệnh nhân nằm viện thì có tới 62 bệnh nhân mắc các bệnh không lây như tim mạch, gút, nhồi máu cơ tim… Trong khi trước kia những bệnh này rất ít. Một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh này là thuốc lá”, TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan truyền thông nhân Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31-5-2011).
Tác hại của thuốc lá là khôn lường. ThS. Phan Thị Hải – Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Bộ Y tế cho biết: “Tính đến thời điểm này, các nhà khoa học đã tìm ra trong TL có tới 7.000 chất độc hóa học, trước đây chỉ tìm ra 4.000 chất. Và trong TL cũng có tới 70 chất gây ung thư. Trung bình mỗi năm trên thế giới có 5 triệu người chết do TL, trong đó ở Việt Nam là 40 ngàn người và dự kiến đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 70 ngàn người. Thế kỷ 20, cả thế giới có 100 triệu người chết do TL và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính thế kỷ thứ 21 sẽ tăng lên 1 tỷ người”… Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn cứ hút thuốc. TS. Khuê cho biết: “Tại Việt Nam, 47,7% nam giới ở tuổi trưởng thành hút TL, tương đương với 20 triệu người. Tỷ lệ người hút thuốc thụ động ở gia đình (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) là 67,7%, ở nơi làm việc là 49%”…
Để PCTHTL, tháng 12-2004, Việt Nam đã tham gia phê duyệt công ước quốc tế FCTC (công ước khung về kiểm soát TL của WHO). Điều 6 của công ước quy định: tăng thuế TL để giảm hút thuốc. ThS. Nguyễn Tuấn Lâm – Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết: “Tăng thuế TL là cách tốt nhất và nhanh nhất để giảm mức tiêu thụ. Nếu giá TL tăng 10% thì mức tiêu thụ ở các nước phát triển giảm 4%, các nước đang phát triển giảm 8%. Tăng thuế TL còn giúp tăng thu thuế cho Chính phủ, ước tính khi tăng thuế TL 10% thì thu ngân sách tăng khoảng 7%. Rất nhiều nước tham gia công ước FCTC đã làm được điều này, nhưng Việt Nam thì chưa”.
Điều 11 của công ước là in cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao TL, nên có cả hình ảnh và chữ. Trong khi nhiều nước in hình ảnh rất đáng sợ về tác hại của TL thì ở Việt Nam chỉ in mấy chữ “khiêm tốn”: Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe.
Điều 13 là cấm các quảng cáo, khuyến mại và tài trợ TL. Cấm thì cứ cấm, ở Việt Nam nhiều công ty TL vẫn tài trợ cho các chương trình. “Tại Liên hoan tuyên truyền bảo vệ sức khỏe, bảo vệ sức khỏe học đường” mới đây, một công ty TL đã tài trợ cho chương trình. Công ty này quảng cáo trá hình bằng cách bắt các em học sinh tham gia chương trình mặc quần màu đỏ, áo màu trắng giống như hình bao thuốc của công ty”, ThS. Lâm bức xúc.
Ngoài ra còn rất nhiều bất cập trong công tác PCTHTL tại Việt Nam. Năm 2010, khá nhiều công ty TL đã tham gia các hoạt động tài trợ như trao nhà tình nghĩa và ủng hộ cơ sở Thiên Phúc 10 triệu đồng để lo tết cho trẻ khuyết tật của Công ty thuốc lá Sài Gòn; Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) phụng dưỡng 71 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 thương binh… Và Vinataba còn được vinh danh trong chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2010.
Từ thực tế này, ThS. Lâm và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực PCTHTL cho rằng: “Việt Nam cần thực hiện tất cả các nghĩa vụ của mình theo quy định của công ước FCTC. Và sớm thông qua Luật PCTHTL để bảo vệ sức khỏe người dân”…
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)