“Phát huy hơn nữa mối quan hệ giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với chăm lo xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đi đôi với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trên địa bàn thành phố”. Hội thảo do Thành ủy TP.HCM tổ chức…
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo
Phát huy vai trò nêu gương và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên
Tham dự hội thảo, ông Vũ Anh Tuấn – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP.HCM – nêu, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Theo đó, ông Tuấn cho rằng, TP.HCM cần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát huy vai trò nêu gương và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Phát huy tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của TP, nhất là người đứng đầu trong thực hiện công vụ. Đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận; quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.
Đồng tình, bà Phạm Phương Thảo – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP – cũng đề xuất một số giải pháp TP cần tập trung đẩy mạnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân với Đảng. Đó là cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, khắc phục tình trạng chung chung, chồng chéo, xung đột, không rõ trách nhiệm, quyền hạn trong thực thi công vụ. Khắc phục tình trạng văn bản dưới luật quy định thủ tục nhiêu khê, gây khó khăn, ách tắc. Đồng thời, cần có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng, rành mạch và theo hướng tạo sự chủ động cho bên dưới, khắc phục cơ chế “xin – cho”. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ, lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải nêu gương tốt và tháo gỡ khó khăn cho cấp dưới. Trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực phải thực sự nghiêm minh, khách quan và công bằng, tránh oan sai.
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM – nêu ý kiến
Để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo ông Nguyễn Đức Thái – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM thì cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhất là xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương để tha hóa quyền lực.
Song song đó, “TP cần có chính sách, quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi về nhận thức, vật chất, tinh thần khuyến khích cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, biểu dương kịp thời những cán bộ có đột phá trong đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao cho đất nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục có chính sách thu hút, tuyển dụng, trọng dụng nhân tài, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, ông Thái nhấn mạnh.
Cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt với cái xấu
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt với cái xấu, giữa đạo đức là cần, kiệm, liêm, chính và kẻ địch là tham ô, lãng phí, quan liêu. Vì xác định như thế nên công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bác Hồ đặc biệt coi trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, Nhà nước. Bác cho đó là căn bệnh nguy hiểm, là giặc nội xâm. Điều này được thể hiện rõ trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây thật sự là kim chỉ nam trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ nhận thức, ý thức và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, Đảng bộ TP tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy, mục tiêu của hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tính chất, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua và những chủ trương, quan điểm, phương châm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác này trong giai đoạn hiện nay. |
“TP xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì bằng nhiều biện pháp đồng bộ, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa, tổ chức đến hành chính, kinh tế và luật pháp”, ông Nên nhấn mạnh.
Cũng theo Bí thư Nên, một trong những nội dung trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường. Do đó, phải quan tâm đặc biệt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng; nâng cao chất lượng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu về trách nhiệm nêu gương, nói đi đôi với làm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tác phong, phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, gần gũi quần chúng; chấp hành kỷ luật, kỷ cương và luôn tự giác “tự soi, tự sửa”. Ngăn chặn sự sa sút về ý chí chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật kém; thực hiện không nghiêm nguyên tắc Đảng; thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thiếu trách nhiệm, ngại khó, ngại khổ…
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng việc tự kiểm tra, giám sát của chi bộ, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Xem đây là công cụ hữu hiệu trong phòng ngừa tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tạo môi trường để mỗi cán bộ, đảng viên tự học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức làm người, làm cán bộ; đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, quan liêu, xa dân, phiền hà, nhũng nhiễu, bàng quan, vô cảm trước những khó khăn, vướng mắc chung và bức xúc của nhân dân…
Nhóm PV
Bình luận (0)