Ngày 15-6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức Hội nghị PCTT khu vực miền Nam năm 2020.
Các đại biểu ký kết thực hiện phong trào thi đua
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, nhìn chung, công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thời gian qua thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Tuy nhiên, công tác PCTT hiện tại bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tổ chức bộ máy còn bất cập, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, cơ sở dữ liệu còn thiếu, lạc hậu. Nhận thức của các cấp chính quyền, người dân ở một số nơi còn hạn chế, chưa thấy hết tính phức tạp, khẩn cấp và tầm quan trọng của công tác PCTT.
Công tác vận hành hồ chứa còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi trực tuyến. Việc thoát lũ hạ du hồ chứa chưa đảm bảo, nhất là khu vực TP.HCM. Công tác kiểm soát an toàn thiên tai, thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều công trình, dự án đã làm ra tăng rủi ro thiên tai.
Đối với cơ sở hạ tầng PCTT đã từng bước được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi việc quản lý xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, kênh rạch, khai thác cát và nước dưới đất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến nay vẫn còn 28/57 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 99/170km chưa xử lý.
Theo nhận định tình hình thiên tai trong những tháng cuối năm từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, bão có xu hướng hoạt động muộn hơn, có khả năng xuất hiện 11-13 cơn bão, trong đó có 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long vào nửa cuối tháng 9. Ven biển Nam bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường, ngoài ra có nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá.
Trên cơ sở này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu, thời gian tới các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần kiện toàn ban chỉ huy PCTT các cấp theo quy định, ban hành quy chế làm việc, xây dựng kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ các thành viên, nhất là giao phụ trách địa bàn cụ thể.
Củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, tránh tình trạng bị động lúng túng khi tình huống thiên tai bất lợi xảy ra, nhất là bão mạnh, lũ lớn, trong đó có giải pháp cụ thể để quản lý tàu, thuyền đánh bắt xa bờ cũng như thuyền nhỏ, hoạt động ven bờ…
Qua báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2019 cả nước xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, làm 133 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính gần 7.000 tỷ đồng.
Tại khu vực Nam bộ xảy ra 14/21 loại hình thiên tai, làm 16 người chết và mất tích, bị thương 52 người, 6.061 nhà bị hư hại, 25.791 nhà bị ngập nước, thiệt hại ước tính khoảng 466 tỷ đồng. Một số trận thiên tai điển hình như bão, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, dông, lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt. Đặc biệt đầu năm 2020 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt kéo dài từ cuối năm 2019 tại ĐBSCL vượt lịch sử 2016 cả về thời gian và mức độ xâm nhập mặn, 6/13 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán, xâm nhập mặn. Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 54.700ha lúa bị thiệt hại, 96.000 hộ dân gặp khó về nước sinh hoạt, gây sụt lún nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông; tổng thiệt hại ước tính trên 3.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ phát động phong trào thi đua “Chủ động PCTT, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020-2025.
Bài, ảnh: Minh Phương
Bình luận (0)