Chỉ tính từ 20/4, cả nước đã ghi nhận 25 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Bộ Y tế nhận định những bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có sử dụng một số thực phẩm như rau sống, mắm tôm sống, thịt chó, thức ăn đường phố và một số thức ăn không bảo đảm vệ sinh. Điều đó chứng tỏ thái độ thờ ơ cũng như ý thức phòng bệnh kém của người dân trước căn bệnh có thể lây lan thành dịch này. Báo Sức khỏe & Đời sống tiếp tục giới thiệu bài viết của PGS.TS. Bùi Khắc Hậu, góp thêm một tiếng nói nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và phòng bệnh tiêu chảy.
|
Hậu quả khi mắc tiêu chảy?
Gọi là tiêu chảy là khi phân bài tiết ra nhanh, lỏng, có khi toàn nước, lẫn máu, có khi có màu hoa cà, hoa cải, mùi tanh, có khi chỉ thấy toàn nước đục như nước vo gạo và đi ngoài nhiều lần trong một ngày đêm, đặc biệt có khi phân tự chảy ra không thể đếm được số lần đi ngoài. Tiêu chảy là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Tiêu chảy cấp tính nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Những nguyên nhân gây tiêu chảy
Tiêu chảy do vi khuẩn: trong trường hợp này thường do ngộ độc thức ăn, nhất là mùa hè do thời tiết nóng bức nên uống nước lã, nước đá làm từ nguồn nước không sạch, thức ăn ôi thiu, thức ăn để nhiều giờ, nhiều ngày sau khi đã đun chín, ăn rau sống… Điển hình trong các loại vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn là vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn tả và vi khuẩn E.coli cũng là một tác nhân hay gặp trong tiêu chảy, đặc biệt là trẻ em. Gần đây, người ta phát hiện ra vi khuẩn Campylobacter cũng có khả năng gây tiêu chảy. Khi tiêu chảy do vi khuẩn tụ cầu hoặc vi khuẩn thương hàn hoặc vi khuẩn lỵ, đặc biệt là vi khuẩn tả sẽ có các triệu chứng rất rầm rộ và bệnh mang tính chất nguy kịch.
Tiêu chảy do virut: Trong các loại virut đường ruột thì điển hình và hay gặp nhất là Rota virus.
Tiêu chảy do ký sinh trùng: hay gặp nhất là loại tiêu chảy do lỵ amip, tiếp đến là một số loài giun. Trong các loài giun thì hay gặp nhất trong bệnh gây tiêu chảy là giun đũa, giun kim. Ngoài giun ra, một số loại nấm cũng có thể gây nên tiêu chảy, điển hình là nấm Candida albicans.
Bên cạnh các căn nguyên vừa nêu trên, bệnh tiêu chảy còn có thể gặp do độc tố hoặc do chế độ ăn uống không hợp lý hoặc dùng thuốc kháng sinh đường ruột kéo dài không đúng chỉ định của bác sĩ gây nên hiện tượng loạn khuẩn.
Tiêu chảy có mấy loại?
Người ta phân thành 2 loại tiêu chảy: tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính.
Tiêu chảy cấp tính: Bệnh nhân đi ngoài nhiều lần, phân lúc đầu lỏng, sau chỉ có nước. Trong những trường hợp có tổn thương niêm mạc ruột (vi khuẩn lỵ) thì phân có lẫn máu và nhiều khi phân chỉ có nước màu hồng nhạt như nước rửa thịt hoặc lờ lờ máu cá. Song song với tiêu chảy là đau bụng, buồn nôn hoặc nôn (đặc biệt nhất là ngộ độc thức ăn do tụ cầu vàng). Bệnh nhân ở trong tình trạng mất nước. Mất nước nhiều hay ít còn tùy theo lượng nước bị mất khi đi ngoài. Nếu mất nước nhẹ, bệnh nhân có thể chỉ thấy khát nước, hơi mệt mỏi. Nếu mất nước nhiều (nặng): khát nhiều, mắt trũng, môi khô, da lạnh, nhăn nheo, đái ít (có khi không đi đái), huyết áp tụt (có khi không đo được), mạch nhanh, nhỏ, khó bắt. Trong những trường hợp này nếu không cấp cứu kịp thời bất luận là do vi khuẩn tả hay lỵ trực khuẩn, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn tụ cầu vàng… rất dễ đưa đến tử vong, nhất là trẻ càng nhỏ càng nguy hiểm.
Tiêu chảy mạn tính: Tiêu chảy mạn tính ở trẻ thường liên quan đến chế độ ăn, uống không hợp lý, nhất là mùa nắng, nóng. Tiêu chảy mạn tính có thể xảy ra trong nhiều ngày, nhiều tháng, có khi lâu hơn. Số lần đi tiêu không nhiều như tiêu chảy cấp tính nhưng do tiêu chảy kéo dài nên làm cho người bệnh ở trong tình trạng mất nước, chất điện giải triền miên, làm cho cơ thể suy sụp, ở trẻ rất dễ dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng nặng, làm giảm chức năng sinh miễn dịch, rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác và dễ đưa đến tử vong.
Điều trị bệnh tiêu chảy
Nguyên tắc điều trị: Lý tưởng nhất là tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy để giải quyết triệt để. Nếu không phải do vi khuẩn thì cần bù nước và chất điện giải như ORS (oresol), nếu trẻ còn bú mẹ thì tiếp tục cho bú mẹ, tiếp tục cho chế độ ăn bổ sung bình thường như súp cà rốt, nước quả. Nếu không có ORS thì cho trẻ uống nước gạo rang, nước cháo có muối. Không dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Nếu tiêu chảy do vi khuẩn hoặc do lỵ amip thì cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ điều trị dùng thuốc gì, liều lượng ra sao, dùng trong bao nhiêu ngày, không nên nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn.
Nguyên tắc phòng bệnh
Luôn luôn ăn chín, uống nước đun sôi để nguội; dùng nước sạch để nấu thức ăn và nước uống cho trẻ; không ăn thức ăn đã thiu, ôi; tích cực diệt ruồi, nhặng bằng mọi hình thức như các biện pháp dân gian, hóa chất…; phải quản lý phân và chất thải của người bệnh bị tiêu chảy thật tốt, nhất là các vùng nông thôn; đổ phân vào hố xí tự hoại bán tự hoại hoặc ít nhất cũng phải có hố xí 2 ngăn hợp vệ sinh, đúng quy cách và rắc vôi bột… Đảm bảo chế độ ăn, uống đầy đủ, hợp vệ sinh để tránh rối loạn tiêu hóa. Khi trẻ bị bệnh cần cho trẻ đến khám ở cơ sở y tế, không nên tự mua thuốc kháng sinh cho trẻ dùng, khi bị tiêu chảy tránh quan nịêm sai lầm là phải nhịn ăn, nhịn uống.
|
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu (SK&ĐS)
Bình luận (0)