Khảo sát 499 trẻ tại 4 tỉnh thành: HN, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, TP.HCM do UNICEF, Plan tại Việt Nam thực hiện… cho thấy, 94% số trẻ được hỏi cho biết đã từng bị trừng phạt thân thể và tinh thần tại nhà và 93% số trẻ này bị phạt tại trường. 82% trẻ em phải chịu những hình phạt thân thể ở khắp mọi nơi trên cơ thể.
Nguy cơ tổn hại tiềm tàng
Ai cũng cho rằng gia đình là nơi trẻ được thương yêu, che chở, đùm bọc nhiều nhất nhưng thêm tâm sự của các em, phần lớn những hình phạt các em phải chịu lại xảy ra ở gia đình. Điều đau lòng hơn là chính người thân trong gia đình lại là đối tượng gây tổn thương cho các em. BS Nguyễn Thị An, TT nghiên cứu GĐ-SK và Phát triển cộng đồng cho biết: Cũng như nhiều nghiên cứu trước đây, cha mẹ và nhất là người mẹ được xác định là người thường xuyên xâm hại trẻ nhất. Kết quả trên khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng trên thực tế nguy cơ tổn hại tiềm tàng nhất đối với trẻ em lại nằm ở ngay trong mái ấm của mình và do chính người trong gia đình gây ra. Theo BS Nguyễn Thị An, lâu nay đa số người lớn đều có quan niệm rằng những kẻ xâm hại trẻ em là những kẻ lạ mặt, xấu xa và hành vi xâm hại trẻ em thường là xâm hại tình dục, buôn bán, đánh đập dã man… mà không hề biết rằng những lời chửi mắng, đánh trẻ của người thân, cha mẹ chính là hành vi xâm hại trẻ em.
Theo thống kê trên thế giới, mỗi năm vẫn có 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai bị xâm hại tình dục. Trên 100 nước, trẻ em vẫn phải chịu các hình thức đe doạ hoặc trừng phạt thân thể ở trường bằng roi, gậy, thắt lưng… Trên 65% trẻ em trong độ tuổi đến trường đã bị đe doạ bằng lời nói hoặc thân thể. Hậu quả của bạo lực học đường dẫn tới bỏ học hoặc thiếu động lực học tập của học sinh. Một nghiên cứu của UNICEF cho thấy, xâm hại tình dục khiến nhiều trẻ em gái bỏ học và tỏ ra sợ sệt. Thống kê của UB DS-GĐ và Trẻ em (cũ) cho thấy tỷ lệ trẻ bị bạo lực trong nhà trường tăng 13 lần trong 10 năm trở lại đây.
Trong nghiên cứu về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em tại Việt Nam cho thấy nhiều trẻ bảy tỏ mong muốn được người lớn hiểu mình hơn. “Giá mà người lớn hiểu được những suy nghĩ của trẻ con” là mong ước của các em mỗi khi bị người lớn mắng mỏ. Cũng theo BS An, nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số thầy cô giáo thường có thói quen la hét, mắng, chửi rủa, doạ dẫm và hạ nhục trẻ trước mặt các bạn và coi đó là một hình thức được chấp nhận. Nhưng đối với trẻ em, đó là một trong những hình thức hạ thấp nhân phẩm tại trường học mà các em ghét nhất. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ- Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cũng thừa nhận, tình trạng thầy cô giáo đánh học sinh, cha mẹ chửi, mắng hoặc đánh đập con cái là rất phổ biến. 58,3% trẻ được phỏng vấn trả lời đã bị người lớn dùng các biện pháp quát mắng, chửi, sỉ nhục, tát, phát vào mông, phạt úp mặt vào tường… khi các em mắc lỗi. Trong khi đó, thầy cô giáo và cha mẹ không biết rằng đó là hành vi xâm hại trẻ em.
Chiến dịch phòng chống trừng phạt trẻ em trong trường học
Hiện Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL, Hội Liên hiệp phụ nữ và TW Đoàn đang triển khai một chương trình trang bị kỹ năng sống cho thanh thiếu niên nhằm trang bị các kiến thức, khả năng đối phó và thích ứng của trẻ em trong việc phòng chống ma tuý, xâm hại tình dục, quyền tham gia các hoạt động của trẻ và ứng xử có văn hoá, an toàn giao thông… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhóm thực hiện nhận thấy, ngoài việc trang bị cho trẻ em những kiến thức cần thiết, một trong những đối tượng cũng cần được tập huấn các kiến thức này đó là cha mẹ và giáo viên. Bởi vì, rất nhiều cha mẹ và giáo viên thiếu kiến thức về vấn đề xâm hại trẻ em. Cha mẹ thường dùng giọng điệu “lên lớp” trẻ em phải làm thế này, thế kia mà không chứng minh được bằng hành động. Giáo viên thì áp đặt trẻ phải làm cái này mà không được làm cái kia…
Nhằm hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Plan triển khai một chương trình phòng chống xâm hại trẻ em ở trường học. Theo ông Đinh Văn Quảng, Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), yếu tố gia đình, nhà trường và trẻ em có mối gắn kết với nhau. Do vậy, một mình Bộ GD-ĐT không thể giải quyết vấn đề này. Do vậy, Chiến dịch Trường học thân thiện được phát động nhằm mục đích ngăn ngừa tất cả hình thức bạo lực đối với trẻ em trong trường học như trừng phạt thân thể, tinh thần; xâm hại tình dục; bắt nạt; sao nhãng; xâm hại bằng lời nói; bạo lực băng đảng; sử dụng vũ khí… chiến dịch này bắt đầu từ tháng 10/2008 đến năm 2011 với khoản ngân sách 1,2 triệu Euro. Mục tiêu đến năm 2011, ít nhất 80% các trường hưởng dự án thiết lập và duy trì được môi trường học tập thân thiện, phi bạo lực với trẻ em.
La Giang
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)