Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phòng chống tự tử – Xã hội, gia đình và nhà trường phải chung lưng

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ trong tháng 12-2007, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đã tiếp nhận 5 trẻ từ 12 – 14 tuổi tự tử. Khảo sát của BS Phạm Anh Tuấn, BV Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM, từ tháng 5-2007 đến tháng 5-2008 trên 310 ca tự tử trong đó có 155 ca dưới 25 tuổi.

Người có ý định tự tử thường có vài hành động bất thường: gián tiếp nói đến cái chết, đặt ra những giả thuyết nếu mình chết, hoặc gọi điện thoại cho một, hai người bạn thân bày tỏ ý tưởng chán sống, không ham muốn…

Tự tử là loại nguyên nhân gây tử vong có thể phòng ngừa được khi thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp: Kiểm soát, hạn chế sự tiếp cận với các biện pháp, dụng cụ dùng để tự tử. Phát triển sự tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, cải thiện công tác chăm sóc các bệnh tâm thần. Thiết lập các trung tâm tham vấn về khủng hoảng tâm thần, các đường dây nóng để tư vấn cho các thanh niên bị trầm cảm. Gia tăng kiểm soát rượu. Tăng cường điều trị, theo dõi các bệnh nhân có ý định tự tử hoặc đã từng được cấp cứu vì tự tử.

Về phía gia đình phụ huynh nên dành thời gian cho các em, tạo cảm giác gần gũi an toàn đối với trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho trẻ lớn lên trong sự hòa thuận, hạnh phúc gia đình, tạo điều kiện để trẻ tâm sự với cha mẹ như một người bạn thân. Đặc biệt quan tâm đến việc phát triển tâm lý của trẻ em nhất là lứa tuổi dậy thì.

Khi trẻ có ý định tự tử, phụ huynh nên quan tâm đến trẻ, cho trẻ khám tâm lý khẩn cấp, không để các vật nguy hiểm như các loại thuốc độc, thuốc an thần, thuốc bảo vệ thực vật, dao, kéo, súng trong tầm tay của trẻ.

Nhà trường nên tạo cho trẻ niềm vui phấn khởi khi đến trường, phát triển giáo dục tâm lý và kỹ năng đối đầu cho trẻ, nên kết hợp với các bệnh viện giúp cho trẻ chứng kiến cảnh những bệnh nhân tự tử được cứu sống để trẻ cảm nhận được nỗi đau, nỗi khổ của chính bản thân người tự tử cũng như của gia đình.

THU TRANG

Bình luận (0)