Ngày 7-4, tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, ngoài một số bệnh nhân đến khám và điều trị về tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị có rất nhiều người đến phòng khám để điều trị bệnh đau mắt đỏ.
BS đang khám mắt cho trẻ ở Bệnh viện Mắt TP.HCM. Ảnh: H.Triều |
BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ – Khoa Giác mạc (Bệnh viện Mắt TP.HCM) cho biết, vào thời điểm giao mùa như mùa khô chuyển sang mùa mưa hoặc ngược lại khi thời tiết thay đổi bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát.
Triệu chứng dễ nhận biết
Mặc dù vào ngày thứ bảy cuối tuần nhưng vợ chồng anh Lê Trung Phong, ngụ ở Q.Bình Tân vẫn chở cháu N. – đứa con trai 12 tuổi đến Bệnh viện Mắt TP.HCM để khám mắt. Theo lời kể của anh Phong, trước đó 1 tuần cháu N. có triệu chứng mắt bị nhòe khi ngồi học bài, lòng trắng mắt trái chuyển sang màu đỏ như bầm máu sau đó chuyển sang con mắt phải. “Lúc đầu hai vợ chồng tôi cứ tưởng cháu quên nhỏ thuốc đau mắt sau khi đi bơi vào ngày chủ nhật nhưng bệnh càng ngày không những không bớt đi mà còn nặng hơn vì mắt sưng phù”. Tại phòng khám BS kết luận cháu bị viêm kết mạc. Tuy không phải nằm điều trị nội trú nhưng cháu được BS tư vấn rất kỹ trong việc uống thuốc và giữ gìn vệ sinh để hạn chế bệnh phát triển và lây lan khi cho về nhà điều trị ngoại trú. Đây cũng là cách xử lý của thầy thuốc đối với hầu hết bệnh nhân phải đối mặt với bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng manh nha khi có vài trận mưa đầu mùa trút xuống.
Tại Khoa Điều trị của bệnh viện, ngoài một số trẻ em còn có các bệnh nhân lớn tuổi điều trị bệnh viêm kết mạc mà triệu chứng dễ thấy là đau mắt đỏ. Làm nghề bán vé số chị Võ Thị Phượng thường đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người nên chị bị bệnh đau mắt đỏ lúc nào không hay. Cũng giống như những người khác triệu chứng lúc đầu là đôi mắt như bị dặm rất khó chịu, sau một đêm ngủ dậy mắt đổ ghèn và có nhiều tia máu trong lòng trắng và lòng đỏ. Cũng vì mưu sinh chị chỉ rửa qua nước muối và hàng ngày vẫn tiếp tục đi bán dạo. Bụi bặm, ô nhiễm khói làm cho đôi mắt của người phụ nữ 40 tuổi viêm nhiễm trầm trọng đến mức phù mí, phù kết mạc và có phản ứng hột ở mi dưới lật ra là thấy. Không chỉ đau mắt, chị còn đau ở một bên cổ có triệu chứng sốt nhẹ, rát cổ. Chỉ đến khi BS xác định nổi hạch chị mới biết tình trạng bệnh của mình. Mặc dù biết bệnh sẽ khỏi sau 2 tuần lễ nhưng vì rất khó chịu ở đôi mắt và do công việc làm ăn cũng như sợ ảnh hưởng đến thị lực sau này nên chị Phượng đành phải cần đến sự can thiệp của BS chuyên khoa. ThS.BS Phạm Nguyên Huân giải thích: “Đau mắt đỏ là từ dân gian gọi bệnh viêm kết mạc. Viêm kết mạc là tình trạng viêm lớp màng lót mặt trong mi mắt và bao phủ tròng trắng. Thường gặp nhất là viêm kết mạc cấp tính do siêu vi (thường là virus Adeno) vi trùng, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng. Bệnh thường tự giới hạn trong khoảng 1 đến 2 tuần, có thể dùng nước mắt nhân tạo, kháng viêm nhỏ tại chỗ để giảm triệu chứng khó chịu”. Tuy nhiên theo BS Huân, người bệnh cần có sự chẩn đoán và hướng dẫn của BS chuyên khoa vì một số bệnh lý giác mạc cũng có triệu chứng tương tự, nếu điều trị không đúng cách có thể làm bệnh nặng thêm.
Hạn chế sự lây lan trong cộng đồng
Viêm giác mạc nguy hiểm hơn, đặc biệt là nếu tổn thương nằm trước con ngươi sẽ ngăn cản tia sáng đi vào mắt và làm mắt nhìn mờ, trường hợp nặng có thể gây mù mắt. Viêm loét giác mạc do vi nấm là bệnh lý nặng thường xảy ra ở vùng nông thôn. Nhiều người đã trải qua đau mắt đỏ vài ba lần trong cuộc đời nên thường chủ quan cứ nghĩ rằng để lâu rồi sẽ khỏi. Đây là suy nghĩ sai lầm mà cách phòng bệnh là khi bị đau mắt, đỏ mắt phải đi khám BS ngay, không được chần chừ. “Một số người có thói quen lười đi khám nên khi bị đau mắt đỏ lại chạy ra kê bệnh cho các đại lý thuốc tây để tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Đây cũng là điều không nên vì sẽ được mua loại thuốc chữa không đúng bệnh về mắt nhất là những thuốc có chứa corticoid như polydexa,dexacol, polymax…” – BS Diệu Thơ cảnh báo.
Theo BS Huân, Adenovirus hiện diện trong cộng đồng quanh năm và đây chính là thủ phạm gây ra dịch đau mắt đỏ đồng loạt và sau đó “mở rộng bán kính” lây lan nhanh do tiếp xúc trực tiếp (bắt tay, ôm bế..) hoặc gián tiếp (qua chất tiết khi ho, trong hồ bơi, dùng chung khăn, mền…) với người bị bệnh. Vì thế bệnh đau mắt đỏ thường có mặt nhanh chóng ở những nơi đông đúc như trường học, nơi làm việc… để trở thành tiểu dịch sang đại dịch. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm Adenovirus có thể lây lan ít nhất 7 ngày, vì thế cần tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh trong vòng 1 tuần đầu sau khi phát bệnh. Nếu bệnh nhân là người lớn hạn chế đi làm, đến hồ bơi, giao lưu chỗ đông người. Nếu học sinh thì cha mẹ nên cho ở nhà không được bắt ép trẻ đến trường đi học vì dễ lây sang cho bạn bè trong lớp. Có như vậy mới tạo nên được “hàng rào” vững chắc để tránh lây bệnh.
Cách phòng bệnh viêm kết mạc lây lan là cá nhân phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt là người bệnh sau khi nhỏ mắt hoặc đưa tay lên mắt. Tránh dụi tay vào mắt khi ngứa, không được tự ý mua bất cứ thuốc nhỏ mắt nào khi chưa có chỉ định của BS. Một số người đã làm cho bệnh nặng thêm khi đắp nhiều loại lá cây hay xác động vật lên mắt theo phong tục tập quán địa phương truyền miệng cho nhau. Ngoài ra, không được dùng chung mỹ phẩm, thuốc nhỏ mắt vì có trường hợp cả nhà, cả lớp, cả khu nhà trọ dùng một lọ thuốc nhỏ mắt để tiết kiệm. “Không được dùng chung khăn mặt, tốt nhất là dùng khăn giấy. Nếu người bệnh ngủ chung giường thì phải thay ga trải giường và áo gối mỗi ngày. Cần lưu ý là không có thuốc nhỏ mắt nào có thể giúp ngăn ngừa được bệnh” – BS Diệu Thơ nhắc nhở.
Phương Đăng
Bình luận (0)