2 đứa con, 11 tác phẩm đã xuất bản, một trang web cá nhân, 2 blog phải “chăm sóc”, một số bản thảo dang dở và một lô công việc tòa soạn là những việc mà nhà văn trẻ Phạm Phong Điệp đã và đang tiếp tục lo toan.
Vốn yêu văn chương từ nhỏ, Phong Điệp từng theo học chuyên văn suốt 9 năm trời khi chưa lên đại học và nhiều lần thi học sinh giỏi văn quốc gia. Gia đình chị tuy không ai theo ngành văn học nhưng mọi người đều thích đọc sách báo văn chương. Văn Nghệ luôn là tờ báo yêu thích của Phong Điệp từ khi chị đang học cấp hai.
Tuy nhiên khi lên đại học, chị lại chọn ngành luật vì thấy nó còn mới mẻ ở VN. Học luật xong, chị lại bỏ, đi làm báo vì thấy báo… hấp dẫn hơn, đúng với “chất” của mình hơn. Tuy nhiên, trong con mắt Phong Điệp, cả ba ngành (văn-luật-báo) đều gắn bó với nhau, cùng chung mối quan tâm đến thân phận con người, với mong muốn giúp con người sống tốt đẹp hơn.
Do phụ trách biên tập văn xuôi ở Báo Văn Nghệ Trẻ, Phong Điệp phải đọc rất nhiều tác phẩm hằng tuần, từ đó chị phải trải qua nhiều trạng thái cảm xúc rất khác nhau: đọc nhiều khiến chị có lúc đau đầu, không muốn viết nữa, nhưng có lúc lại nảy sinh nhiều ý tưởng bổ ích cho các tác phẩm của mình.
Phạm Phong Điệp: Sinh năm 1976 Các tác phẩm đã xuất bản: 8 tập truyện ngắn, 1 truyện dài, 1 tản mạn văn chương và 1 tiểu thuyết Một số tác phẩm tiêu biểu: Kẻ dự phần, Blogger… |
Tuy không quá thiên về nhân vật nữ, nhưng qua từng câu chữ của chị, độc giả vẫn thấy những rung cảm, suy tư, đau đớn của người phụ nữ rất đậm nét trong các tác phẩm. Phong Điệp cũng thừa nhận khi được hóa thân là nhân vật nữ, chị dễ “tung” bút hơn. Bên cạnh các nữ nhân vật được xem như “sở trường”, Phong Điệp cho biết sẽ thử sức với nhiều nhân vật nam bởi chị từng chứng kiến nhiều tình huống mà nhân vật nam xử lý rất khác so với suy đoán.
Đọc qua các tác phẩm của Phong Điệp, đặc biệt là truyện ngắn, luôn bắt gặp những lát cắt nhức nhối trong cuộc sống thường nhật. Nhiều người… lo thay cho chị khi Phong Điệp luôn đào xới những mặt tiêu cực và bi đát của cuộc sống như vậy. Thậm chí, có người còn gọi chị là kẻ dự phần bất đắc dĩ chính trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên Phong Điệp cho rằng chị không phải là người bi quan, dù luôn viết về những thứ tiêu cực và bi đát. Chị chỉ thừa nhận mình hay nặng lòng với bất hạnh, đau khổ của người khác. Và điều đó khiến chị luôn muốn tìm hiểu, giải mã những thân phận ấy. Có lần chỉ bắt gặp ánh mắt u uất của một người phụ nữ ở ngã tư đường chừng 15 giây chờ đèn xanh, chị cũng bị ám ảnh cả tuần, để rồi từ đó lại nảy sinh ra một ý tứ cho một truyện ngắn mới.
Phong Điệp luôn xác định rằng truyện ngắn không phải đơn giản chỉ là viết ra một câu chuyện, mà quan trọng không kém là khả năng phát hiện vấn đề và đưa ra những cách tiếp cận khác nhau về một vấn đề tưởng như đã quen thuộc. Vì vậy không phải mọi truyện của chị đều mang “tâm thế của kẻ dự phần bất đắc dĩ”. Nó có khi là tâm thế của kẻ ngoài cuộc, có khi là tâm thế của người trong cuộc. Và kết cục của “những kẻ dự phần bất đắc dĩ” thực ra sẽ không khi nào có một mẫu số chung. Bởi theo chị, cuộc sống luôn biến động từng ngày, và tâm thế của mỗi con người cũng luôn có sự vận động. Xét ở góc độ nào đó, mỗi người đều luôn dự phần vào mọi việc đang diễn ra quanh mình. Nếu ý thức được điều ấy, theo chị, mỗi người chúng ta sẽ sống có trách nhiệm hơn.
Phong Điệp thừa nhận thấy thỏa sức hơn với tiểu thuyết và linh hoạt hơn trong truyện ngắn, dù độ khó của cả hai đều như nhau.
Nguyễn Lệ Chi (Theo TNO)
Bình luận (0)