Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức: “Sửa đổi lề lối làm việc” theo lời Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 5 chuyên đề của cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chi bộ Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức chọn chuyên đề “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hiện tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và quan liêu” để cho các cán bộ trong đơn vị đi sâu vào nghiên cứu và thảo luận. Đồng chí Hồ Ngọc Tuyết – Phó bí thư chi bộ là người được chi bộ phân công theo dõi kiểm tra việc học tập của toàn thể cán bộ, đảng viên của 3 đơn vị (Phòng GD-ĐT quận, Trường Bồi dưỡng Giáo dục và Trung tâm Kỹ thuật – Hướng nghiệp), cô Tuyết cho biết, đây là một chuyên đề có ý nghĩa thiết thực trong hoàn cảnh hiện nay khi ý thức thực hành tiết kiệm ở một số nơi nhất là tại các công sở, cơ quan chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa đối với Hồ Chủ tịch, tham ô, lãng phí, quan liêu luôn là kẻ thù của nhân dân, của chế độ XHCN. Nếu không ngăn chặn kịp thời bệnh tham ô, lãng phí sẽ “biến chứng” thành tội tham nhũng gây thất thoát lớn cho tài sản của các cơ quan và Nhà nước. Một đồng chí ở Tổ văn phòng phân tích: “Bác kêu gọi tiết kiệm là tránh sự lãng phí không cần thiết. Chúng ta nên hiểu tiết kiệm ở đây không đồng nghĩa với bủn xỉn hẹp hòi, coi “đồng tiền to bằng cái nống” như Bác đã ví von”. Cho rằng mình là người tiết kiệm nhưng “gặp việc đáng làm mà không làm, đáng tiêu cũng không chịu tiêu xài” thì cũng hỏng. Bài học đó đang đi vào đời sống trong cơ quan. Nếu trước đây các văn bản chỉ photo giấy 1 mặt thì hiện nay nhiều văn bản có thể tận dụng photo cả 2 mặt để tránh hao giấy. Những văn bản nào thật cần thiết mới photo để tránh lãng phí, không cần thiết. Anh em trong phòng cũng rất quan tâm với việc tiết kiệm điện nước như tắt đèn, quạt những phòng không có người làm việc và trước khi ra về. Ngoài tiết kiệm văn phòng phẩm, phong trào tiết kiệm điện thoại cũng được anh em trong cơ quan hưởng ứng, không có tình trạng nói chuyện dài dòng, trao đổi việc riêng… Không chỉ học tập qua các buổi thảo luận, mà thiết thực hơn ngay trong cuộc vận động mỗi cán bộ trong Phòng GD-ĐT đã hưởng ứng đóng góp 1 ngày lương để chăm lo cho người nghèo.
Cũng trong đợt vận động này, cuốn Sửa đổi lề lối làm việc của Hồ Chủ tịch đã trở thành “sách gối đầu giường” của tất cả quần chúng và đảng viên. “Cẩm nang” đó như một tấm gương trong để anh em có dịp soi lại chính mình trong lề lối, trong ứng xử; đào thải cách làm việc phô trương hình thức, bớt xén thời giờ, công quyền, kém hiệu quả. Người cán bộ lúc nào cũng phải coi mình là “đầy tớ” của nhân dân (chữ dùng của Hồ Chủ tịch). Căn bệnh chủ quan, hẹp hòi, ba hoa và bệnh quan liêu không được có đất sống trong một cơ quan đầu ngành, đầu cấp. Nhiều cán bộ qua đợt học tập đã “vượt qua chính mình” trở thành cá nhân điển hình của phong trào.
 Cuộc vận động này còn lan tỏa xuống các trường qua cuộc thi mang chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 19-5-2009 đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ, từ các trường TH, THCS danh sách học sinh và giáo viên tham dự cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được gửi về Phòng GD-ĐT đúng thời hạn. Ông Nguyễn Trọng Cường – Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết: “Ngày 1-8 và 8-8 toàn quận sẽ tổ chức cuộc thi cho 2 đối tượng học sinh và giáo viên tại Trường THCS Bình Thọ”. Chắc chắn đó sẽ là ngày hội lớn của thầy và trò các trường trong quận Thủ Đức trong đợt vận động có ý nghĩa này.
P.N.Q

Bình luận (0)