Trên tường dán đầy tranh ảnh bắt mắt, căn phòng chỉ rộng gần 20m2 nhưng bày biện rất nhiều đồ chơi và có cả tivi, đầu máy. Đó gọi là “phòng giáo dục đặc biệt” ở Trường tiểu học An Phú 1, huyện Củ Chi, TP.HCM.
“Học sinh quá hiếu động, hay nghịch phá, chọc ghẹo bạn bè trong giờ học, thiếu tập trung hoặc khó tập trung, tiếp thu bài quá chậm… sẽ được đưa xuống phòng giáo dục đặc biệt” – ông Lê Văn Bồng, hiệu trưởng Trường tiểu học An Phú 1, cho biết.
Học được 15 phút, học sinh sẽ được chơi thoải mái tại phòng giáo dục đặc biệt
|
… “An xung phong đọc trước cho cô nha!”. Cậu học trò ngúng nguẩy: “Không! Không! Không mà”. “Vậy Duy Đan nha”. Thấy học sinh còn đang ngần ngừ chưa chịu đứng lên, cô giáo bèn khích lệ: “Bữa nay có nhà báo tới thăm nè, ai đọc giỏi sẽ được cô khen. Đứng lên đi con, ngoan nào”. Cô giáo luôn miệng vừa năn nỉ, vừa khuyến khích học sinh đọc bài và tập viết nhưng cũng chỉ được 15 phút. Sau đó, phòng học biến thành khu trò chơi.
Theo cô Võ Thị Vựa – giáo viên phụ trách phòng giáo dục đặc biệt ở Trường An Phú 1, cô giáo không được la mắng hay to tiếng với học trò. Mỗi tiết học kéo dài được 15 phút như vậy là quý lắm rồi, vì các em khó tập trung nên không thể kéo dài giờ học như trên lớp. “Tôi kèm cho các em môn tiếng Việt và toán là chủ yếu. Khi các em học tập được như các bạn bình thường thì chúng tôi lại đưa các em về lớp” – cô Vựa nói.
Phòng giáo dục đặc biệt được thành lập từ năm 2007 và đến nay gần như ngày nào cũng có học trò. Thực tế phòng giáo dục đặc biệt đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh ở Trường tiểu học An Phú 1. Phòng giúp giáo viên “nhẹ gánh” hơn trong việc giải quyết các vấn đề của học sinh “đặc biệt”. “Nếu để các em trong lớp chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng bài dạy. Ngay bản thân các em cũng khó tiếp thu bài. Vì vậy, phòng giáo dục đặc biệt là nơi để các em có những giây phút thoải mái, vừa học vừa chơi, không bị gò bó…” – ông Lê Văn Bồng khẳng định.
H.HƯƠNG / TTO
Bình luận (0)