Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phòng học 3D

Tạp Chí Giáo Dục

Phòng học với bảng thông minh Active Board, mỗi học sinh (HS) mang một chiếc kính 3D như xem phim ở rạp. Đó là những giờ học ở phòng học 3D được chính thức sử dụng ở Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM từ ngày 17-4.
Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM chính thức đưa vào sử dụng phòng học 3D sáng 17-4 – Ảnh: N.Hùng

Đây là trường đầu tiên trên cả nước ứng dụng giảng phần mềm 3D ở các môn học vật lý, hóa học, địa lý, sinh vật và công nghệ.
“Sinh động và hấp dẫn”

"Tôi đi nước ngoài, thấy người ta dùng phương tiện hiện đại mà thương thầy trò mình chỉ có phấn trắng bảng đen. Và tôi luôn ước mong HS của mình đủ kiến thức và tự tin để hội nhập, ước mong về những phòng học ở trường công có cơ sở vật chất không thua trường gọi là trường quốc tế. Chúng tôi muốn nhóm lên một ngọn lửa, mở một cánh cửa nhìn ra khung trời rộng hơn cho HS của mình"
Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Kim Vĩnh Phúc

Giờ học với phần mềm 3D về Cấu tạo tim và mạch máu, môn sinh vật lớp 8A9, 8A10 với hình ảnh tách lớp quả tim bốn ngăn cùng hình ảnh sống động động mạch, tĩnh mạch và sự lưu thông của máu. Bài học trở nên sinh động hơn với hình ảnh cholesterol bám thành mạch máu, đó là nguyên nhân gây bệnh xơ vữa động mạch. Tư liệu bài học phần mềm 3D đưa bài học lý thuyết khô khan đến thật gần những hiểu biết cuộc sống thực tế quanh mình. Hình ảnh sinh động, hấp dẫn, gần gũi đến mức nhiều HS giơ tay lên chụp những tế bào máu đang chuyển động.
Một minh họa khác về vi khuẩn kháng thuốc. Thuốc kháng sinh qua đường uống vào dạ dày. Hình ảnh dạ dày phóng to, ở đó kháng sinh tan ra và thấm vào động mạch. Trong động mạch có những tế bào máu cùng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh bao vây diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, vi khuẩn có nhiều cách kháng thuốc, thậm chí có thể thay đổi cấu trúc kháng sinh, chúng biến thành những vi khuẩn kháng thuốc lan khắp cơ thể. Bài học bảo vệ sức khỏe bằng hình ảnh sống động, gắn liền thực tế cuộc sống, dễ hiểu với tuổi học trò. Những bài học về hệ động vật chương trình sinh vật lớp 7, phần mềm 3D mang đến hình ảnh như thật từ hình dáng bên ngoài: da, cơ, xương đến các cơ quan nội tạng của các loài vật cũng hấp dẫn không kém…
Môn địa lý tưởng chừng nhàm chán với nhiều HS bỗng trở nên thú vị hơn với phần mềm 3D. Bài học cấu tạo bên trong Trái đất (chương trình địa lý lớp 6), qua hình ảnh 3D có thể bóc tách ba lớp cấu tạo Trái đất từ ngoài vào trong mang đến cho HS chuỗi cảm xúc ngạc nhiên, thích thú. Hay như bài học vòng tuần hoàn của nước, nước bốc hơi thành mây, những hạt nước lớn rơi xuống tạo thành mưa. Nước mưa chảy xuống ao, hồ, sông, biển, thấm xuống mặt đất, đến tầng nước ngầm đều được minh họa lý thú…
Nói như cô Chu Thị Hồng Anh, giáo viên môn địa lý: “Những hình ảnh sống động không một loại học cụ nào mô phỏng được. Những bài học địa lý tự nhiên trở nên sinh động và hấp dẫn”.
Không chỉ phương tiện hiện đại

Cô Chu Thị Hồng Anh nói: Được học với công nghệ hiện đại, HS hứng thú hơn, tập trung hơn trong tiết học. Việc dạy với phần mềm 3D, giáo viên liên tục đổi mới. Bản thân mỗi người thầy sẽ thấy vui vì đã mang đến cho HS những điều hấp dẫn nhất.
Thầy Kim Vĩnh Phúc, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tổng chi phí cho “phòng học 3D” khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, bảng Active Board ứng với công nghệ 3D (khoảng 200 triệu đồng) được phụ huynh đóng góp. Phần mềm 3D và 60 kính đeo mắt 3D khoảng 200 triệu đồng được chi từ quỹ phát triển sự nghiệp của trường. Để có phòng học 3D hôm nay, trường này đã chuẩn bị từ năm 2009, khi đó vẫn chưa có phần mềm 3D tiếng Việt dành cho HS Việt Nam. “Nhà trường trân trọng cảm ơn những đóng góp của phụ huynh vì nếu không có sự đồng thuận góp tay của phụ huynh, nhà trường không thực hiện được”- ông Phúc chia sẻ.
Trường có đến 62 lớp cả hai bậc THCS và THPT. Trước khi có phần mềm 3D, trường đã có chín bảng thông minh Active Board công suất 100%, lúc nào cũng “cháy phòng”. Một phòng học 3D sẽ không đủ đáp ứng cho nhu cầu của cả thầy và trò. Năm tới, trường dự kiến đầu tư thêm hai phòng nữa.
Nhưng câu chuyện đổi mới ở ngôi trường này không chỉ ở chuyện phòng học 3D. “Công nghệ mới buộc giáo viên phải rèn kỹ năng sử dụng phương pháp mới để bài giảng sinh động hơn. Điều quý nhất là tất cả giáo viên phải làm việc, sáng tạo nhiều hơn, tìm tòi, học hỏi nhiều hơn. Chúng tôi có một đội ngũ giáo viên trẻ, năng động, đam mê đổi mới. HS có cách học khoa học hơn, tư duy hơn chứ không thụ động, nhàm chán. Nhờ đó, các em yêu thích bộ môn hơn” – ông Kim Vĩnh Phúc chia sẻ.

Theo PHÚC ĐIỀN (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)