Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng ngừa giun, sán

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thạc sĩ- bác sĩ Trần Thị Khánh Tường, giảng viên chính bộ môn Nội, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết, theo ước tính của các chuyên gia y tế, hiện nay, 80% dân số Việt Nam bị nhiễm giun đũa, 52% nhiễm giun tóc và 32% nhiễm giun móc.

Mỗi năm, người Việt Nam mất 28,5 triệu lít máu do giun móc và giun tóc, hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm do giun đũa ăn bớt trong ruột.
Ai cũng có thể bị nhiễm giun, sán
Những loại giun, sán thường gặp nhất là giun đũa, giun tóc, giun móc. Ngoài ra, ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo cũng thường bị nhiễm giun kim.
Một số nghiên cứu mới cũng cho thấy tỉ lệ nhiễm giun lươn và giun đũa chó cũng khá cao. Đây là những loại giun khó trị, không thể tẩy xổ một liều duy nhất như các loại giun đũa, tóc, móc, kim.
Rửa rau từng lá dưới vòi nước sạch có thể phòng ngừa được giun, sán.
Ai cũng có thể bị nhiễm giun sán. Tỉ lệ nhiễm phối hợp nhiều loại giun chiếm khá cao, từ 60- 70%.
Ngoài ra, kết quả “Khảo sát ký sinh trùng trên rau sống bán tại các chợ trên địa bàn TP HCM” do Bộ môn Ký sinh trùng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM thực hiện năm 2009, còn cho thấy: Hơn 97% mẫu rau sống có bán ở các chợ tại TP.HCM đều nhiễm ký sinh trùng giun, sán.
Dấu hiệu nhận biết
Người bị nhiễm giun sán có thể không có biểu hiện nào rõ rệt.
Tuy nhiên, một số trường hợp có kèm những biểu hiện ở đường tiêu hóa như đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày; táo bón hoặc tiêu chảy; phân có thể có đàm nhớt hay máu; đầy bụng khó tiêu; buồn nôn, nôn; chán ăn; tắc ruột ở trẻ nhỏ do lòng ruột bị tắc vì chứa quá nhiều giun, đau thượng vị; đau quanh rốn; đau bụng dưới.
Bên cạnh đó là những biểu hiện: ngoài đường tiêu hóa: Dị ứng (dị ứng thức ăn, mề đay, ban); thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi); thần kinh (lo âu, bứt rứt, kém tập trung, giảm trí nhớ). Ấu trùng lạc nhầm chỗ: dễ bị chẩn đoán nhầm viêm phổi do thở khò khè như hen suyễn; u não, liệt động kinh, mắt sưng, giảm thị lực… Ngoài ra, còn có một số trường hợp có ấu trùng di chuyển ở da.  
Vài triệu chứng còn thấy ở trẻ em như khóc đêm, suy dinh dưỡng, nghiến răng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn, học kém.
Phòng ngừa nhiễm giun, sán
Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Với 1 liều thuốc tẩy giun như Albendazol 400mg (2 viên Zentel) hoặc Mebendazol 500mg (1 viên Fugacar 500mg) có thể diệt các loại giun thông thường như giun đũa, tóc, móc, kim. Phụ nữ có thai và trẻ dưới 2 tuổi không được xổ giun.
Nếu đã uống thuốc mà các triệu chứng vẫn không giảm, hoặc nghi ngờ mình bị nhiễm giun, sán thì nên đi khám, xét nghiệm phân hoặc máu để xác định.
Với các loại giun khác như giun lươn, giun đầu chó, giun đầu gai, sán lá gan… việc điều trị sẽ phức tạp hơn. Người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
Tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Giữ vệ sinh cá nhân như cắt móng tay ngắn, sạch.
Ăn chín, uống sôi, ăn rau sống cần rửa thật sạch.
Mang giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm.
Vệ sinh môi trường: quản lý tốt phân, rác, nước. Người và vật không phóng uế bừa bãi.
Nguyên Hạnh (ghi)
Theo Phụ Nữ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)