Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng ngừa nguy cơ khi cho trẻ đi du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa hè luôn được trẻ em háo hức đón chờ. Bởi lúc đó, trẻ được nghỉ học, được đi chơi, đi du lịch cùng gia đình. Thế nhưng rất có thể xảy ra tai nạn, bệnh tật trong chuyến du lịch đó. Chúng tôi xin giới thiệu những nguy cơ hay gặp, từ đó các bậc phụ huynh tham khảo để kịp thời sơ cứu trước khi đưa trẻ tới bệnh viện.

 Khi trẻ em tắm biển phải có người lớn giám sát chặt chẽ.
Đuối nước: Một trong những tai nạn đáng tiếc hay gặp ở trẻ trong mùa hè là bị đuối nước. Đó một phần là do sự chủ quan của  người lớn, nhưng phần nhiều là do sự hiếu động, chủ quan của trẻ nhỏ – nhất là những trẻ biết bơi, bơi giỏi. Vì thế, ngay cả khi trẻ đã thuần thục thì bạn luôn phải giữ con trong tầm kiểm soát của mình để tránh việc trẻ bị đuối sức, bị chuột rút khi đang bơi. Đa phần trẻ bị đuối nước khi đưa đến viện đều đã muộn nên để lại những hậu quả đau lòng như tổn thương não, tử vong. Nếu thấy trẻ bị đuối nước, ngay lập tức hãy nắm tóc kéo đầu trẻ nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Nhanh chóng quàng tay qua nách, hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ. Cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm, nạn nhân bị thiếu ôxy não rất khó cứu sống. Sau đó, tiến hành hô hấp nhân tạo ngay, hà hơi thổi ngạt, nếu ngừng tim (sờ mạch quay không có) phải ép tim ngoài lồng ngực. Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chú ý: động tác vác dốc ngược trẻ trên vai chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng, nên chỉ làm không quá 1 phút.
Say nắng, nóng: Khi tới các bể bơi ngoài trời, đi du lịch biển trong những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ cao, trẻ bị say nắng, nóng, bỏng da rất nhiều, nếu không được sơ cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khi sự điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi nhiệt độ tăng nhanh và cao của môi trường bên ngoài, cơ thể bị mất quá nhiều nước qua mồ hôi thì có thể gây ra những biến đổi trầm trọng trong cơ thể. Biểu hiện của say nắng, nóng là da ửng đỏ, sốt cao, không có mồ hôi, da nhợt nhạt, nặng hơn có thể bị sốc, co giật. Lúc này các bậc cha mẹ  ngay lập tức phải làm lạnh tại chỗ cho trẻ  bằng cách đưa trẻ tới chỗ mát, lau nước mát khắp cơ thể, cho trẻ uống nước rồi đưa trẻ tới bệnh viện. Để phòng không bị say nắng, nóng bạn cần cho trẻ làm quen với nhiệt độ ngoài trời trước khi cho trẻ tham gia các hoạt động. Tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước ngay cả khi chưa thấy khát.
Ngã: Ngã là một tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhất là khi cho trẻ đi du lịch, đi chơi xa. Bởi vì trẻ phải làm quen với một địa điểm mới, không quen với những chướng ngại vật. Ngã thông thường không sao nhưng ngã dẫn tới gãy xương, trật khớp, chấn thương ngực, chấn thương bụng đến chấn thương sọ não thì sức khỏe bị ảnh hưởng, sinh hoạt, học tập của trẻ cũng bị ảnh hưởng theo, thậm chí nếu nặng có thể gây thương tật suốt đời. Nếu bạn thấy con có biểu hiện của gãy xương như chỗ ngã, va chạm sưng tấy, đau, khó cử động, thâm tím… hãy đưa trẻ tới trung tâm y tế gần nhất.
Dị ứng thức ăn và côn trùng đốt: Những món ăn mới lạ con bạn chưa bao giờ ăn là một trong những nguyên nhân khiến con bạn bị dị ứng thức ăn với các biểu hiện nôn, đau đầu, tiêu chảy, xuất hiện ban trên da… Hãy dừng ngay thức ăn đó lại, cứ để trẻ nôn, đại tiện, tăng cường bổ sung nước (ozerol là tốt nhất). Khi tắm biển, trẻ có thể bị sứa quệt phải. Sứa là một loại nhuyễn thể, thân mềm, nếu trẻ chạm phải những tua râu này gây đau rát dữ dội. Tai nạn do sứa có dấu hiệu rất đặc trưng đó là dãy vết trầy có dạng thẳng hoặc xoắn, thường gặp ở chân, tay trẻ. Xử lý: hạn chế vận động vùng bị thương, rửa vết thương bằng nước biển sau đó dùng giấm, chanh, cồn lau sạch, dùng những vật có cạnh như que kem, vỏ sò rửa sạch… cạo hay chà xát nhẹ lên chỗ da bị tổn thương để đẩy các tế bào phóng độc còn lại ra khỏi vết thương. Nếu trẻ đi rừng, lên núi, bị côn trùng như ong, kiến, sâu đốt cũng rất nguy hiểm. Khi bị côn trùng đốt, càng phát hiện và sơ cứu sớm càng tốt. Trước hết, dùng xà phòng (xà phòng diệt khuẩn càng tốt) rửa với nước vào vùng da bị tổn thương, sau đó chườm lạnh. Nếu bị các loại ong độc, kiến độc đốt, không được tự ý điều trị mà phải đưa tới trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
ThS. Lê Hưng (SK&ĐS)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)