Tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra không chỉ ở người lao động chưa qua đào tạo nghề mà ngay cả với người được học ở trường lớp bài bản cũng gặp phải. Ông Lê Trọng Chiến (chuyên gia huấn luyện an toàn vệ sinh lao động) khẳng định như vậy khi bàn đến việc phòng ngừa TNLĐ từ trường nghề.
Theo thống kê, tai nạn lao động tập trung nhiều ở các ngành cơ khí như hàn, tiện… Trong ảnh: Thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề giỏi TP.HCM năm 2018 đang thi nghề hàn. Ảnh: T.Tri |
Theo đó, TNLĐ tập trung nhiều ở các ngành cơ khí (hàn, tiện…) và tỷ lệ chỉ đứng sau lĩnh vực xây dựng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do trang thiết bị cũ kỹ, dây chuyền lạc hậu không đảm bảo an toàn, nhất là an toàn điện. Thêm nữa, người lao động chưa được trang bị kỹ năng xử lý tình huống, không tuân thủ các quy định trong quản lý, sử dụng thiết bị điện cũng như quy trình vận hành.
Trang bị kỹ năng từ nhà trường
Ông Lê Trọng Chiến cho biết thêm, TNLĐ thường gặp là bỏng hóa chất, bỏng do lửa, cháy nổ… Nếu không tuân thủ các quy định an toàn, không được đào tạo, huấn luyện nghiêm ngặt có thể dẫn đến mất sức lao động, thậm chí tử vong.
Phân tích các vụ TNLĐ chết người trên địa bàn TP.HCM năm 2017, Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động TP.HCM đã dẫn ra các nguyên nhân như nổ thiết bị áp lực, nổ hóa chất và các vật liệu nổ, cháy nổ xăng dầu, điện giật, tiếp xúc với chất độc hại hoặc phóng xạ, tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt, bỏng… TS. Nguyễn Ngọc Hải (Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động TP.HCM) cho rằng môi trường lao động được cải thiện, an toàn không phải chờ đến các khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động mà bản thân người lao động được trang bị từ khi còn đang học ở trường. Có như vậy mới xây dựng được văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Khi thực hành, học sinh – sinh viên chưa nắm được các yếu tố nguy hiểm, có hại và các biện pháp an toàn, vì vậy khi đi làm họ chưa có ý thức trong việc tự bảo vệ mình. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra TNLĐ cũng như bệnh nghề nghiệp.
Hiệu trưởng một trường TC nghề tại TP.HCM khẳng định, tại các xưởng thực hành ở một số cơ sở GDNN chưa thực hiện việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy hiểm, có hại và chưa có biện pháp về công nghệ, kỹ thuật để đề phòng tai nạn khi học sinh thực hành. “Ở môi trường GDNN mà không xây dựng được ý thức phòng ngừa thì không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động về lâu dài”, vị hiệu trưởng này nói.
Theo kết quả thanh tra chuyên đề năm 2017 của Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM về thực hiện các quy định của pháp luật tại 9 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động trên địa bàn TP, có 7/9 doanh nghiệp chưa thiết lập hệ thống quản lý chất lượng hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; sử dụng giáo viên thỉnh giảng nhưng không yêu cầu thực hiện đầy đủ nội dung theo chương trình khung đã quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP, do đó bài giảng không thống nhất, chưa xây dựng chương trình huấn luyện cụ thể cho từng nhóm đối tượng; chưa đảm bảo việc phân công người phụ trách đào tạo; không có đủ mặt bằng, thiết bị phục vụ thực hành và không có giáo viên huấn luyện thực hành. Thậm chí có 2/9 doanh nghiệp lập hồ sơ huấn luyện không đúng nội dung, chương trình; 1/9 doanh nghiệp có hợp đồng thỏa thuận với đơn vị không có chức năng huấn luyện an toàn để cung cấp chứng chỉ cho người lao động…
Xây dựng giáo trình về an toàn vệ sinh lao động
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hiện TP chỉ có 7/517 cơ sở GDNN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, gồm: Trường CĐ Xây dựng TP.HCM, Trường CĐ Điện lực TP.HCM, Trường CĐ Kỹ nghệ II, Trường TC Công đoàn, Trường TC nghề Kỹ thuật Nghiệp vụ Tôn Đức thắng, Trường TC Xây dựng TP.HCM và Trung tâm Dạy nghề Kỹ thuật Nghiệp vụ Cảng Sài Gòn. |
Đề cập đến giải pháp ngăn ngừa TNLĐ đối với các trường ĐH-CĐ và cơ sở GDNN, TS. Nguyễn Ngọc Hải cho rằng cần xây dựng chương trình huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động phù hợp với học sinh – sinh viên, giúp người học nắm được các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất và các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ nhà giáo nắm vững nội dung, chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động để truyền đạt cho người học, kiểm soát chất lượng bài kiểm tra kết thúc môn học.
Ở góc độ quản lý, ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nhìn nhận những năm qua tại các cơ sở GDNN đã có chuyển biến tích cực về công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Theo đó, học sinh – sinh viên được huấn luyện sử dụng các vật dụng bảo hộ lao động trong quá trình thực tập, an toàn trước và sau thực tập. Tuy nhiên, trước một thị trường lao động năng động, thay đổi nhanh chóng và chú trọng nhiều đến an toàn vệ sinh lao động, đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước về GDNN phải thay đổi để theo kịp yêu cầu. Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trình độ TC-CĐ, đây cũng là cơ sở quan trọng để đưa kiến thức an toàn vệ sinh lao động vào giảng dạy.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Sự nói: “Chúng tôi sẽ đổi mới chương trình đào tạo theo yêu cầu thực tiễn, xây dựng giáo trình về an toàn vệ sinh lao động cho người học ở trường nghề trong một số ngành nghề nguy hiểm, độc hại. Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa phòng ngừa về an toàn vệ sinh lao động trong các cơ sở GDNN, quan tâm đặc biệt đối với ngành nghề có nguy cơ cao và nhóm yếu thế, bao gồm học sinh – sinh viên đang học các ngành nghề nguy hiểm, độc hại. Cho phép người học trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai chính sách và các biện pháp phòng ngừa.
T.Anh
Bình luận (0)