- 1 Phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng lứa tuổi học đường
Ở lứa tuổi học đường, từ các em mầm non đến THPT đều có nguy cơ bị thiếu máu dinh dưỡng do phụ huynh thiếu quan tâm đến con trong việc chăm sóc sức khỏe, nhất là chế độ ăn uống hàng ngày thiếu khoa học và hợp lý.

Những nguyên nhân thường gặp
Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em làm giảm sức đề kháng, cơ thể dễ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, phát triển, học tập của trẻ. Vì vậy việc phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ cần phải được quan tâm đặc biệt.
Theo TS.BS Dương Bá Trực – nguyên Trưởng khoa Huyết học lâm sàng – Bệnh viện Nhi Trung ương thì trẻ càng nhỏ, nguy cơ thiếu máu dinh dưỡng càng cao. Trong thực tế, thiếu máu dinh dưỡng gặp nhiều nhất ở trẻ sơ sinh đến 5 tuổi.
Ở độ tuổi này, trẻ dễ gặp các vấn đề nhiễm trùng. Tình trạng ốm đau thường xuyên khiến dinh dưỡng trẻ kém đi, tạo thành một vòng luẩn quẩn: Trẻ ốm, ăn uống kém, sức đề kháng giảm. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, trẻ gặp tình trạng biếng ăn, đây cũng là nguyên nhân dễ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ, đặc biệt là kẽm và sắt.
Sắt là thành phần cấu tạo của hemoglobin, myoglobin, protein, enzyme… trong cơ thể. Chúng có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong máu đến các tế bào, tham gia giải phóng năng lượng, tham gia chuyển hóa DNA cùng nhiều chức năng khác. Thiếu sắt, cơ thể không có đủ nguyên liệu sản xuất hemoglobin gây thiếu máu dinh dưỡng.
Bên cạnh yếu tố sắt, vi chất kẽm cũng được nghiên cứu đóng vai trò tham gia cấu tạo và phát triển tế bào hồng cầu. Theo nhiều nghiên cứu, trẻ bị thiếu máu có nồng độ kẽm trung bình trong huyết thanh thấp hơn đáng kể so với trẻ không bị thiếu máu. Vì vậy, trẻ thiếu kẽm cũng có nguy cơ bị thiếu máu dinh dưỡng.
Thời gian gần đây, nữ sinh B.T. đang học lớp 10 có biểu hiện mệt mỏi mỗi khi vào lớp, ngồi nghe giảng đến tiết 3 trong buổi sáng là em bất đầu thấy mệt mỏi trong người, nhiều khi có triệu chứng chóng mặt hoa mắt.
Hiện tượng đó không chỉ xảy ra trong tuần mà cứ liên tục trong cả tháng. Vốn có làn da trắng hồng nhưng gần đây bạn bè chung lớp thấy T. xanh xao và có vẻ ốm hơn nhiều. Mẹ của T. càng lo lắng khi thấy con gái của mình biếng ăn, da nhợt nhạt nên đưa con đi khám tại Bệnh viện Thủ Đức mới biết con gái bị thiếu máu dinh dưỡng. Sau lần khám bệnh đó, ngoài việc bổ sung uống viên sắt, T. được bác sĩ cho uống thêm một số loại thuốc có tác dụng kích thích sự phát triển của hồng cầu và nhằm thúc đẩy quá trình chuyển hóa của tế bào.
Bên cạnh việc khuyến cáo về nạn thừa cân béo phì trong học đường, các bác sĩ ở Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cũng cho hay, thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu (sắt, acid folic, vitamin B12). Trong đó, thiếu máu thiếu sắt là phổ biến nhất.
Trẻ tuổi học đường là lứa tuổi đang tăng trưởng nên có nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng cao. Trong giai đoạn này, thể tích máu cũng gia tăng làm tăng nhu cầu về chất sắt để tạo máu.
Đến tuổi dậy thì, các em gái có nguy cơ thiếu máu cao hơn các em trai do hiện tượng mất máu sinh lý hàng tháng. Đối với các em trai, nếu chế độ ăn uống không đa dạng và không đầy đủ cũng vẫn có thể bị thiếu máu.
Thiếu máu dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn giảm thành tích học tập và khả năng hoạt động thể lực của các em học sinh. Thời gian qua, nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục học sinh về phòng chống thiếu máu dinh dưỡng, nhất là ở các em nữ sinh.
![]() |
Những biểu hiện của thiếu máu dinh dưỡng thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường. Để có chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần được xét nghiệm máu.
Câu chuyện của nữ sinh B.T. cũng đã cho thấy nguy cơ thiếu máu dinh dưỡng làm cho bệnh nhân giảm tập trung trong lúc làm việc và học tập, buồn ngủ khi nghe giảng bài. Không chỉ ảnh hưởng đến trí não, tình trạng thiếu máu còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực như: cơ thể không tăng cân, chiều cao hạn chế, vóc dáng thấp bé.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, bệnh lý này khiến trẻ bị chậm phát triển, suy dinh dưỡng, chậm biết ngồi, biết đi, chậm tăng cân và chiều cao. Trẻ bị thiếu máu từ trong bụng mẹ sẽ có chỉ số thông minh không cao; dù sau này được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cũng khó phục hồi.
Có thể phòng ngừa được
Theo khuyến cáo của bác sĩ, trước hết phụ huynh phải quan tâm đến chế độ ăn uống hàng ngày của con trẻ, đủ số lượng và đủ chất nhất là các thức ăn giàu chất sắt như thịt, cá, trứng, gan huyết… Các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, chanh, đu đủ và cả rau xanh cũng rất hữu ích cho việc hấp thu sắt. Ăn uống hợp vệ sinh như ăn chín uống chín, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế ăn quà vặt ở lòng lề đường, nhất là trẻ em không đi chân đất để không bị nhiễm giun sán. Cách tốt nhất nên xổ giun định kỳ 6 tháng 1 lần. Các bạn nữ sinh trên 15 tuổi phải được uống bổ sung viên sắt hàng tuần, mỗi tuần 1 viên, uống 16 tuần liên tục mỗi năm. Các bác sĩ căn dặn khi uống viên sắt cần lưu ý: nên uống giữa 2 bữa ăn, nên uống nhiều nước (khoảng 1,5 lít mỗi ngày) và tăng cường vận động đề phòng chống táo bón khi uống viên sắt.
Sắt có thể làm thay đổi màu phân nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi ngưng uống viên sắt, phân sẽ trở về bình thường. Một số trường hợp khác bác sĩ nhận thấy có những nguyên nhân đặc biệt và cần thiết phải làm xét nghiệm kiểm tra trước khi điều trị. Trong trường hợp cần thiết bệnh nhân còn phải được truyền máu. Nếu điều trị đúng, ăn uống khoa học hợp lý thì bệnh nhân sớm hồi phục không còn tình trạng thiếu máu như trước.
Minh Châu
Bình luận (0)