Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng ngừa viêm họng cấp lúc chuyển mùa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Viêm họng cấp tính là bệnh khá phổ biến, bệnh xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì viêm họng cấp dễ dàng xuất hiện.

Bệnh hay gặp khi thời tiết chuyển mùa
Viêm họng cấp là tình trạng viêm niêm mạc họng xảy ra một cách đột ngột gây nên bởi virut (cúm, sởi, Adenovirus…), vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Hemophillus influenzae…). Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes) vì nó là thủ phạm gây nên biến chứng viêm họng dẫn đến viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp là những bệnh khá nguy hiểm hoặc viêm họng cấp do nấm (Candida). Ngoài các nguyên nhân trên phải kể đến các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết (gió mùa đông bắc), lạnh quá, ẩm quá, bụi bẩn, bụi công nghiệp, khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm rạ) và có thể do tác động của rượu.
Triệu chứng điển hình
Bắt đầu sốt cao, đột ngột (39 – 40oC), ớn lạnh, kèm theo nhức đầu, nuốt đau, đau mỏi thân mình, ăn, ngủ kém. Một số trường hợp có hạch cổ sưng và đau. Người bệnh ở giai đoạn đầu có cảm giác khô nóng trong họng, khát nước, dần dần cảm giác đau rát tăng lên khi nuốt và khi nói, đau lan lên tai và đau nhói khi nuốt. Có thể có nghẹt mũi (một hoặc hai bên) và chảy nước mũi. Thông thường có rát họng và ho khan. Vài ba ngày sau, nếu không được phát hiện và điều trị có thể có khàn tiếng.
Hình ảnh họng bị viêm.
Khi khám sẽ thấy toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực. Màn hầu, trụ trước, trụ sau và thành sau họng phù nề, đỏ, xuất tiết. Hai amiđan sưng to, nếu viêm tái phát thì amiđan thường có hốc, có thể có mủ hoặc bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt hoặc miệng các hốc amiđan. Xét nghiệm công thức máu sẽ thấy bạch cầu tăng cao, tốc độ máu lắng tăng, chỉ số CRP (C Reaction Protein) dương tính. Xét nghiệm nhày họng, bằng phương pháp nhuộm đơn thấy nhiều tế bào bạch cầu, vi khuẩn (trực khuẩn hoặc cầu khuẩn). Nhuộm bằng phương pháp gram có thể thấy cầu khuẩn gram dương (xếp đôi, hoặc thành đám hoặc đứng riêng rẽ) hoặc thấy cả xoắn khuẩn Vincent. Nếu có điều kiện nuôi cấy chất nhày họng sẽ xác định được loại vi khuẩn gây viêm họng cấp, trên cơ sở đó thực hiện kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp cho việc điều trị.
Trong trường hợp viêm họng cấp do virut cúm thì các triệu chứng khá nặng, nhức đầu, đau rát họng, xuất huyết ở thành sau họng. Hoặc viêm họng cấp do virut APC (Adeno-Pharyngo-Conjunctival) thì xuất tiết mũi, niêm mạc họng đỏ, viêm màng tiếp hợp và sưng hạch cổ, bệnh tiế̉n triển 3 – 5 ngày. Các trường hợp viêm họng cấp do virut thì việc xác định loại virut gì còn gặp không ít khó khăn.
Bệnh viêm họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 – 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm và trở thành viêm họng mạn tính. Hoặc thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).
Điều trị và phòng bệnh thế nào?
Nguyên tắc điều trị phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh, trong trường hợp xác định được vi khuẩn và có kết quả của kháng sinh đồ thì nên lựa chọn kháng sinh để điều trị cho thích hợp với tuổi, tình trạng bệnh và tính động học của kháng sinh. Việc dùng thuốc để điều trị phải tuân theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không tự động mua thuốc để chữa bệnh cho mình và người nhà.
Cần bù nước và chất điện giải do sốt cao gây ra. Tốt nhất là uống dung dịch oresol (ORS), có thể dùng ORS cam loại 5,63g/gói cho cả người lớn và trẻ em, pha 1 gói vào 200ml nước (đun sôi, để nguội). Thông thường sử dụng ORS như sau, trẻ nhũ nhi thì dùng 50ml/lần, 2 – 3 lần/ngày; trẻ từ 2 – 6 tuổi dùng 100ml/lần, 2 – 3 lần/ngày; trẻ từ 6 – 12 tuổi dùng 150ml/lần, 2 – 3 lần/ngày. Với người lớn dùng theo nhu cầu.
Thức ăn nên dùng loại mềm, nhuyễn, dễ nuốt. Cần ăn thêm rau, trái cây. Cần phải nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân. Nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Cần vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối nhạt hằng ngày.
Theo ThS. Mai Hương
Sức khỏe & Đời sống


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)