Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Phóng thành công tên lửa mang vệ tinh AsiaSat 6 vào quỹ đạo

Tạp Chí Giáo Dục

Tập đoàn Công nghệ Thám hiểm không gian tư nhân Mỹ SpaceX đã phóng thành công một vệ tinh viễn thông thương mại mới của châu Á vào sớm ngày chủ nhật 7/9. Vệ tinh này đã cất cánh một cách rực rỡ trên bầu trời đêm, kết thúc gần 2 tuần trì hoãn nhiệm vụ này.

Một tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã được phóng lên từ Trạm Không quân Cape Canaveral ở Florida, Mỹ vào lúc 1 giờ sáng giờ địa phương (tức 5 giờ sáng giờ GMT) vào chủ nhật vừa qua, mang theo vệ tinh Asiasat 6 của công ty Hong Kong AsiaSat bay vào không gian.

Tên lửa Falcon 9 mang theo vệ tinh AsiaSat 6 được phóng thành công vào quỹ đạo. (Nguồn: yahoo.com)

Ban đầu, buổi cất cánh dự kiến được diễn ra vào ngày 26/8, tuy nhiên SpaceX đã lùi ngày cất cánh lại nhằm cung cấp thêm thời gian cho các kỹ sư để điều tra việc chiếc tên lửa tái sử dụng Falcon 9 (F9R) đã tự hủy trong một buổi bay thử ngày 22/8 tại Texas, Mỹ.

Nguyên mẫu tên lửa F9R có nhiều điểm khác biệt so với tên lửa Falcon 9 vẫn đang hoạt động bình thường. Vì vậy, sự cố này gần như không có ảnh hưởng gì tới việc phóng tên lửa của SpaceX, đại diện công ty cho biết. Tuy nhiên, SpaceX vẫn muốn kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các hệ thống khởi động của mình để chắc chắn rằng nhiệm vụ sẽ diễn ra suôn sẻ.

"Điều mà chúng tôi muốn kiểm tra nhiều lần chính là liệu quá trình phát hiện và sửa lỗi của những tình huống giả định về các vấn đề ngoài kịch bản có tối ưu hay không," Elon Musk, người sáng lập đồng thời là CEO của SpaceX cho biết trong một thông cáo vào cuối tháng trước.

Buổi cất cánh vào chủ nhật vừa qua đã diễn ra trôi chảy và không có bất cứ vấn đề nào phát sinh. SpaceX đã tuyên bố nhiệm vụ thành công vào khoảng 30 phút sau khi tên lửa cất cánh.

"Cất cánh thành công! Vào lúc 1 giờ sáng giờ EST, tên lửa Falcon 9 đã bay vào không gian, mang theo vệ tinh AsiaSat 6," đại diện của SpaceX đăng tải trên Twitter. "Liên hệ với vệ tinh đã được xác nhận."

AsiaSat 6 được chế tạo bởi công ty Space Systems/Loral, trụ sở tại California, Mỹ. Vệ tinh này sẽ phân phối băng thông rộng và dịch vụ video trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuổi thọ thiết kế của nó là 15 năm. AsiaSat hiện đang chia sẻ một nửa khả năng thông tin liên lạc của AsiaSat 6 với công ty truyền hình vệ tinh Thaicom; công ty này đã đặt tên phần vệ tinh của mình là Thaicom-7.

"Thaicom-7 đã cất cánh thành công mỹ mãn," CEO Thaicom Suphajee Suthumpun tuyên bố. "Tôi muốn cảm ơn các đối tác và nhóm nghiên cứu của chúng tôi. Vệ tinh mới sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở Thái Lan cũng như trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương."

Buổi cất cánh hôm chủ nhật là lần thứ hai trong vòng 2 tháng SpaceX gắn vệ tinh vào tên lửa của mình. Trước đó, một tên lửa Falcon 9 đã đưa vệ tinh AsiaSat 8 vào quỹ đạo ngày 5/8. Lần cất cánh thành công vào chủ nhật vừa qua sẽ đánh dấu hai lần phóng thành công liên tiếp của AsiaSat với SpaceX.

"Năm nay đánh một dấu mốc quan trọng cho AsiaSat," Chủ tịch và CEO của AsiaSat, ông William Wade tuyên bố. "Việc bổ sung thêm vệ tinh AsiaSat 6 vào hệ thống 5 vệ tinh trong quỹ đạo của AsiaSat, trong đó có AsiaSat 8 đã tăng đáng kể khả năng cung cấp phạm vi bộ phát lớn cho những khách hàng của chúng tôi"./.

My Nguyễn

(Vietnam+)

Bình luận (0)