Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phong thấp không tự khỏi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Một bệnh nhân 21 tuổi, giới tính nam, thể trạng phát triển bình thường, đến gặp tôi ở bệnh viện và cho biết là không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào ngoài bị phong thấp tay chân.

Cụ thể là từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành, khi tay nhúng vào nước chừng 5 phút là bắt đầu nhăn nheo như tay của một người cao tuổi. Do thấy hiện tượng này không ảnh hưởng đến sức khỏe lắm nên cậu ta không đi khám nhưng dạo này nhìn thấy ghê quá và sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này nên tìm đến bác sĩ.
Trường hợp phong thấp như bệnh nhân nam nói trên chúng tôi gặp rất nhiều và họ đều có chung suy nghĩ là thấy không ảnh hưởng lắm đến sức khỏe nên cứ để vậy, hy vọng bệnh tự khỏi.
Trước đây, người ta nghĩ rằng da nhăn khi ngâm nước là do lớp ngoài cùng của da có chất bã nhờn (sebum) có tác dụng bôi trơn và làm da người không thấm nước. Chính lớp bã nhờn này giúp da chúng ta không thấm nước khi rửa tay hay tắm rửa trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi da tiếp xúc quá lâu với nước, lượng chất bã bị rửa trôi, mất dần và chính điều này đã làm cho nước đi từ ngoài vào trong lớp da cơ thể. Lớp da tay và da chân thường nhăn nheo nhiều hơn các vùng khác trên cơ thể do hầu hết cơ thể được bao phủ bởi lông và lông liên tục tiết bã nhờn, trong khi lòng bàn tay và bàn chân không có lông mọc và dày hơn các vùng da khác nên lớp chất bã nhờn bảo vệ rất dễ mất.
Nước vào trong da sẽ làm ứ nước vài nơi kèm với sự dãn nở không đều đặn của da, tạo ra hình dạng da nhăn nheo. Do đó, da nhăn thực chất không phải do da bị nhăn mà là do da ngấm nước. Tuy nhiên gần đây, người ta thấy có thêm cơ chế khác ngoài đơn giản chỉ là sự hấp thu nước. Đó là liên quan đến co mạch. Nước vào các lỗ trên da và lòng bàn chân qua các tuyến mồ hôi gây ra sự thay đổi cân bằng điện giải của lớp thượng bì. Sự thay đổi cân bằng điện giải này dẫn đến mất ổn định màng tế bào của mạng lưới thần kinh xung quanh, gây ra sự co mạch. Sự co mạch này gây áp lực máu âm trong ngón tay, ngón chân kéo lớp thượng bì xuống phía dưới, gây ra nhăn nheo. Do đó, mức độ nhăn da sẽ phụ thuộc vào sự co mạch. Co mạch càng nhiều thì da càng nhăn nheo.
Phong thấp là tình trạng cường giao cảm, đó là sự hoạt động quá mức của hệ thống thần kinh giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm thuộc về thần kinh thực vật. Khi có hội chứng cường giao cảm, có thể có nhiều biểu hiện trong đó có tăng tiết mồ hôi tay, chân, hồi hộp quá mức, tim đập nhanh, đỏ mặt… gây đau đầu, mất ngủ, đặc biệt là có hiện tượng co mạch máu. Bị phong thấp có nghĩa là đã có tình trạng cường giao cảm, co mạch nhiều hơn người bình thường nên da nhăn nheo nhiều hơn người bình thường khi ngâm nước là điều dễ hiểu. Và tất nhiên nếu không điều trị thì sẽ không tự khỏi.
Hiện nay, phương pháp cắt hạch giao cảm có thể điều trị được căn bệnh cường giao cảm. Tuy nhiên, chỉ nên cắt khi các rối loạn giao cảm quá nặng, ảnh hưởng tới công tác, sinh hoạt (ví dụ: ra mồ hôi quá nhiều hay da nhăn nheo quá mức khi ngâm nước). Gặp trường hợp này, người bệnh nên đến khoa ngoại của các bệnh viện để khám.
ThS-BS CK2 Nguyễn Văn Út (Phòng Chăm sóc da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – TPHCM)

Theo NLD

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)