Sau nhiều năm điều chế và hoàn thiện, một mẫu vắc xin có thể ngăn chặn tiểu đường thể 1 ở trẻ em đã sẵn sàng bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trong năm sau.
Ước tính hiện có từ 20 – 40 triệu người trên thế giới phải sống với tiểu đường thể 1. Suốt hơn 2 thập niên nghiên cứu, nhóm chuyên gia do Đại học Tampere (Phần Lan) dẫn đầu đã tìm được chứng cứ xác thực cho thấy có sự liên quan giữa một dạng vi rút gọi là coxsackievirus B1 (CVB1) với phản ứng tự miễn khiến cơ thể phá hủy tế bào ở tụy tạng, theo báo cáo trên chuyên san Vaccine. Tiểu đường thể 1, không phải dạng thể 2 do lối sống không lành mạnh tác động, là sự suy giảm năng lực sản sinh insulin, loại được tế bào cơ thể sử dụng để hấp thu đường glucose từ máu. Tình trạng thất thoát insulin như trên là kết quả đến từ quá trình tế bào tụy tạng gọi là tế bào beta bị chính hệ miễn dịch phá hủy, thường diễn ra trong vài năm đầu của đời sống.
Đến nay vẫn chưa rõ tại sao cơ thể lại xác định tế bào beta là ngoại lai. Sau quá trình nghiên cứu dài hơi, nhà vi trùng học Heikki Hyöty của Đại học Tampere đã đưa ra một trong số nhiều lý do: đó chính là nhiễm enterovirus, nhóm siêu vi thuộc họ Picornaviridae. Enterovirus là vi rút gây bệnh sốt bại liệt, cũng như các bệnh tay, chân, miệng, viêm màng não, viêm cơ tim. Lâu nay giới chuyên gia đã đặt nghi vấn về mối quan hệ giữa nhóm siêu vi này với tiểu đường, nhưng phải mất không ít thời gian để xác định các “nghi phạm” chủ chốt. Vào năm 2014, chuyên gia Hyöty và đồng sự đã sử dụng kết quả thu được từ hai cuộc nghiên cứu về trẻ em Phần Lan mắc tiểu đường thể 1 để chứng minh có ít nhất một trong 6 vi rút thuộc nhóm CVB có liên quan đến tình trạng bệnh.
Enterovirus phổ biến một cách đáng ngạc nhiên ở trẻ sơ sinh, với số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phát hiện có khoảng 1/4 trong số 444 ca tại Mỹ vào năm 2007 là do CVB1 gây ra. Và đối với một số trẻ, đây có thể là sự khởi đầu của một căn bệnh kéo dài cả đời và vô phương chữa trị. “Dựa trên dữ liệu đã thu được, chưa đến 5% số trẻ nhiễm CVB1 phát tiểu đường thể 1”, theo báo cáo của Phần Lan vào năm 2014. Điều này có nghĩa là mỗi năm sẽ có hàng trăm trẻ trên toàn cầu mắc chứng bệnh khó trị chỉ vì nhiễm vi rút. Nếu những thành viên khác của nhóm CVB cũng góp phần vào chứng tự miễn đối với tế bào beta, con số bệnh nhân có thể cao hơn nhiều. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ như khi thử nghiệm ở chuột, vắc xin mới có thể chặn đứng nguy cơ này.
Trong giai đoạn kế tiếp, kéo dài khoảng 8 năm, vắc xin sẽ được dùng thử trên người lớn khỏe mạnh để lọc ra các biến chứng có thể. Người được tiêm chủng vắc xin cũng có thể giảm nguy cơ nhiễm những dòng enterovirus khác, thủ phạm gây ra cảm mạo, viêm cơ tim, màng não và viêm tai.
Tụ Yên/TTO
Bình luận (0)