Vừa qua, trên địa bàn huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long vừa xuất hiện một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 sau khi đi du lịch về. Sau vụ việc này, làm cách nào để phòng tránh cúm A/H1N1 trong mùa du lịch hè là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Đeo khẩu trang khi đi du lịch là một trong những biện pháp ngừa cúm A/H1N1 |
Nhiễm cúm khi đi du lịch
Bệnh nhân tử vong do cúm là bà L.T.K.H (56 tuổi), ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Theo xác nhận của Sở Y tế tỉnh, bà H. có dấu hiệu bị sốt cao vào ngày 29-6 khi đang đi du lịch ở Đà Lạt cùng với gia đình. Sau khi trở về địa phương, bà H. vẫn bị sốt kèm theo các triệu chứng nhức đầu, ho, sổ mũi, nên đã tự mua thuốc ở tiệm thuốc tây về uống. Đến ngày 2-7, bà H. có dấu hiệu trở nặng, khó thở nên được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tam Bình. Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân bị phù phổi cấp do suy hô hấp. Do tình trạng ngày càng nặng thêm nên bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long vào ngày 5-7 và tử vong vào lúc 17 giờ chiều cùng ngày do bị viêm phổi nặng, suy hô hấp (phải hỗ trợ thở máy). Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP.HCM cho thấy bệnh nhân H. dương tính với cúm A/H1N1. Sau đó, ngành y tế tỉnh đã cử lực lượng hỗ trợ bệnh viện, hỗ trợ gia đình bà H., đồng thời chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch cúm A/H1N1 trên toàn tỉnh, nhất là tại địa phương có người tử vong.
Trước đây, vào năm 2013 trên địa bàn TP.HCM cũng đã từng xảy ra một trường hợp tương tự. Bệnh nhân là ông Nguyễn Hữu C. (72 tuổi), ngụ đường Hàn Hải Nguyên, phường 2, quận 11. Sau chuyến du lịch 2 ngày ở Rừng Sác với hội cựu chiến binh trở về ông C. bị sốt cao, ho, tức ngực, khó thở. Lập tức ông được người nhà đưa đến điều trị tại Bệnh viện 7A – Quân khu 7 (TP.HCM). Kết quả xét nghiệm xác định ông C. bị cúm A/H1N1 và tử vong sau một ngày điều trị.
Cũng bị lây cúm A/H1N1 từ đoàn khách du lịch, nên một bệnh nhân nam (49 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) đã nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch vào trung tuần tháng 6 vừa qua.
Tránh tiếp xúc trong bán kính dưới 1 mét
Nhằm phòng tránh cúm A/H1N1 khi đi du lịch, nhất là khi nhu cầu du lịch tăng cao vào mùa hè, tiến sĩ Lý Ngọc Kính (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế) khuyến cáo, virus cúm A/H1N1 lây lan chủ yếu qua đường hô hấp ở khoảng cách tiếp xúc gần. Do đó khi đi du lịch, người dân cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần trong bán kính 1 mét nhất là đối với những người có biểu hiện cảm cúm. Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm, bên cạnh việc tiêm ngừa vaccine, người lớn và trẻ em nên chủ động đeo khẩu trang ngoại khoa (ba lớp) một cách thường xuyên mỗi khi giao tiếp. Trong trường hợp tiếp xúc rất gần với bệnh nhân cúm thì cần phải đeo khẩu trang N95. Khẩu trang N95 là loại khẩu trang có cấu tạo đặc biệt, không chỉ ngăn ngừa được giọt nhỏ mà còn ngăn ngừa đến 95% số nhân giọt bắn vào không khí. Nhờ vậy khả năng phòng bệnh của chúng cao hơn rất nhiều lần. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến khích sử dụng thường xuyên nước súc miệng, thuốc nhỏ mũi, rửa tay bằng xà phòng, uống bổ sung vitamin hoặc tăng cường sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi, thức ăn bổ dưỡng để tăng sức đề kháng của cơ thể trước virus cúm A/H1N1. Điều đáng lưu ý là không nên mua và mang thuốc điều trị cúm Tamiflu khi đi du lịch, vì như vậy vừa tốn tiền, vừa dễ kháng thuốc nếu dùng tràn lan.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang…; tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ; duy trì 5 phút trong lòng bàn tay, nên người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở hoặc các vật dụng sinh hoạt bằng hóa chất sát khuẩn Cloramin B. Đặc biệt, virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C, và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể là môi trường lý tưởng cho virus này phát triển, nhất là khi tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt virus. Đó là lý do nên hạn chế tắm hồ bơi khách sạn khi đi du lịch trong khi virus cúm đang hoành hành ở nhiều nơi.
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Tảo (Trưởng phòng Xử lý dịch, Sở Y tế Hà Nội), để phòng ngừa virus cúm A/H1N1, đối với những gia đình chưa có người nhà mắc bệnh, nên tuân thủ các quy định theo khuyến cáo của Bộ Y tế như sử dụng nước súc miệng, thuốc nhỏ mũi, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, hạn chế đến các khu vực đông người, nơi công cộng; thường xuyên đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường; bồi dưỡng cơ thể để tăng sức đề kháng. Riêng đối với gia đình có bệnh nhân mắc cúm A/H1N1, cần phải sử dụng Cloramin B (2-5%) để phun đẫm sàn nhà hoặc lau chùi sàn nhà, cầu thang, bàn ghế, thành giường, các vật dụng sinh hoạt… nhằm đảm bảo an toàn cho các thành viên khác.
Vũ Phương
Bình luận (0)