Để phòng tránh sự khô nứt của đôi môi trong mùa đông, phải uống ít nhất khoảng 2 lít nước trong ngày (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.L
|
Mùa đông, khí hậu hanh khô khiến đôi môi thường bị khô, nứt nẻ. Khi môi bạn có hiện tượng này, phải tìm hiểu nguyên nhân để có cách khắc phục.
Khô nứt môi thường xảy ra khi cơ thể bạn bị mất nước, uống kháng sinh, hoặc mệt mỏi. Bệnh này chữa trị không khó, điều cần thiết là phải ngăn ngừa trước.
Nguyên nhân của bệnh khô môi
Biểu hiện bệnh là môi bị khô nứt, lở, hoặc sưng đỏ lên, đau rát, một số trường hợp khác lại có thêm chất ram ráp dính khó chịu. Môi không có tuyến mồ hôi và rất ít tuyến dầu. Bên cạnh đó, lớp bảo vệ bên ngoài làn môi rất mỏng nên dễ bị khô nẻ, gây đau đớn. Hiện tượng môi bị khô, nứt nẻ thường là biểu hiện đầu tiên của tình trạng thiếu nước, có thể xuất phát từ những nguyên nhân như không khí khô, hanh, thở bằng miệng, thói quen liếm môi, nhiệt độ, ánh nắng mặt trời. Một nguyên nhân khác khiến môi bị khô là do cơ thể bạn thiếu hụt vitamin B2 (riboflavin). Những người lớn tuổi, bị các căn bệnh mãn tính và người nghiện rượu là các đối tượng thường có nguy cơ cao bị nứt môi. Bên cạnh đó, thủ phạm gây khô nứt môi còn là do stress, suy nhược cơ thể, sử dụng son môi không phù hợp, dị ứng thực phẩm, một số loại thuốc trị bệnh cũng có tác dụng phụ gây khô môi. Nếu chứng khô nứt môi đi kèm với sốt, mắt và lưỡi đỏ, nổi hạch bạch huyết, da bàn tay, bàn chân bị sưng đỏ, đó có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh Kawasaki. Bệnh này thường xảy ra ở những đứa trẻ từ 2 đến 5 tuổi, tuy nhiên y học chưa nhận định được chính xác nguyên nhân gây bệnh nhưng rất nguy hiểm vì ngay cả khi được phục hồi, trẻ cũng có thể bị để lại các di chứng về tim.
Phòng tránh và chữa trị
Để giảm sự nứt nẻ của đôi môi, ngoài việc sử dụng kem dưỡng ẩm cho môi, bạn nhớ là phải thường xuyên uống nước, ít nhất khoảng 2 lít nước trong ngày. Khi môi bị khô nứt, nhiều người có thói quen liếm môi. Điều đó là không tốt vì khi liếm môi thường xuyên sẽ dẫn đến hiện tượng nước bốc hơi và khi nước bốc hơi sẽ làm “bốc hơi” luôn các chất giữ ẩm trên môi khiến môi càng khô hơn. Ngoài ra, loại enzym tiêu hóa vốn có nhiều trong nước bọt sẽ còn gây ra chứng viêm môi và lở hai bên mép miệng. Như vậy để điều trị bệnh khô môi hiệu quả, trước tiên bạn cần phải tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để có cách khắc phục phù hợp. Ngoài ra, bạn còn cần phải ăn nhiều trái cây như cà chua, cà rốt, sử dụng kem dưỡng môi hàng ngày, nếu dùng son môi nên sử dụng loại có thành phần dưỡng ẩm và chỉ số SPF 15. Chúng không những làm đẹp cho đôi môi của bạn, tránh được khô môi gây nứt nẻ mà còn chống lại tác dụng độc hại của ánh nắng mặt trời nếu bạn chọn các loại son có chất lượng tốt. Tránh ánh nắng mặt trời vì vùng môi không chứa chất melanin (hắc tố) nên dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời (gây bỏng môi). Khi ra nắng nóng bạn nên bôi son hay dầu dưỡng môi để bảo vệ trước. Lưu ý đến những thứ đi qua đôi môi, đôi khi một số thức ăn cũng gây khô, nứt môi. Bạn cần tránh các loại như: tiêu, rượu, ớt… Khi da môi bị tróc, bạn không được dùng tay bóc, như vậy sẽ làm môi bị rách, chảy máu. Xoa bóp, massage thường xuyên vào mỗi buổi sáng trước khi trang điểm và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi massage, bạn nên thoa một lớp kem dưỡng da lên môi, sau đó dùng đầu ngón tay trỏ xoa khẽ để mỹ phẩm dưỡng môi thấm sâu vào môi và giúp cho máu lưu thông. Một lọ vaselin là vật nên có thường xuyên trong túi xách của bạn, nhất là vào mùa đông.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN
(BV 175 – TP.HCM)
Bình luận (0)