Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng tránh ngộ độc thức ăn ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Thức ăn cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh bị ngộ độc ở trẻ em (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: H.Triều

Theo số liệu thống kê của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2011 đến nay có 98 vụ, 4.600 người bị ngộ độc thức ăn (NĐTĂ), trong số đó có 16 trường hợp bị tử vong. Điều lưu ý, NĐTĂ xảy ra tập thể, rơi vào đối tượng cả người lớn và trẻ em.
Nguyên nhân và dấu hiệu bị ngộ độc
Theo BS. Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa (Trưởng khoa Nội tổng quát Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) thì NĐTĂ thường gặp nhất do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn hay nhiễm các loại độc tố do vi khuẩn tiết ra. Vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn đường ruột, tụ cầu vàng, các loại vi khuẩn kỵ khí. Đối với trẻ em, NĐTĂ mẫn cảm hơn người lớn do hệ tiêu hóa phát triển chưa đầy đủ, thức ăn không thể tiêu hóa nhanh và hoàn toàn nên dễ bị NĐTĂ và dễ nặng hơn người lớn.
Nguyên nhân chính khi bị NĐTĂ là sử dụng phải nguyên liệu chế biến kém chất lượng, thịt cá bị ôi thiu, rau củ quả không sạch, gia súc, gia cầm bị bệnh, giết mổ trong điều kiện kém vệ sinh. Môi trường chế biến vệ sinh kém, gần cống rãnh, phân rác, người chế biến không rửa tay sạch, dụng cụ dao thớt, chén bát bẩn. Có sự tiếp xúc giữa thức ăn sống và thức ăn chín. Nguồn nước bị ô nhiễm, bảo quản thức ăn chín không thích hợp, thức ăn có chứa độc tố, hóa chất. Thức ăn chín không được bảo quản tốt, để lâu trong nhiệt độ bên ngoài.
NĐTĂ xảy ra với các trường hợp như: NĐTĂ do độc tố ruột (sau khi sử dụng thức ăn trữ lạnh không đủ độ sẽ gây đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy); NĐTĂ do sinh vật thể (khi ăn các loại sò hến, ốc, sau 24 tiếng cho đến 48 tiếng gây ra sốt nhẹ, lạnh, nhức đầu, đau cơ, tiêu chảy); NĐTĂ do hóa chất độc (thuốc trừ sâu, hóa chất nitrit có trong rau củ quả, bột ngọt, phẩm màu); do độc tố tự nhiên, do vi khuẩn xâm lấn. Khi bị ngộ độc, dấu hiệu thường gặp ban đầu từ 6 giờ cho đến 3 ngày: buồn nôn (69,1%), sốt dẫn đến nôn ói (99%), tiêu chảy (48%), và đau bụng (38%). Nếu bị nhiễm trùng, nhiễm độc ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ bị rối loạn nhịp tim, hô hấp, yếu liệt cơ và ổn định trong vài ngày. Tuy nhiên ở mức độ trầm trọng, bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến tử vong.
Sơ cứu và phòng ngừa
Theo BS. Thoa, khi nghi ngờ trẻ bị NĐTĂ, trước tiên kích thích gây ói bằng cách uống nước muối pha loãng, hay ấn tay vào họng để trẻ ói ra (không được cho trẻ uống nước mùn thớt, ngoáy lông gà trong họng), sau đó đưa đến khám bệnh tại cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình xử lý khi trẻ bị nôn ói, không vội dựng trẻ dậy ngay nếu như trẻ đang nằm, nên nghiêng đầu trẻ qua một bên để tránh hít sặc. Không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống ói vì sẽ kéo dài thời gian bệnh của trẻ, tránh cho uống các loại nước ngọt.
Đề phòng bị NĐTĂ, khi mua thức ăn chế biến sẵn nên mua tại những nơi có điều kiện vệ sinh tốt, chọn thức ăn đã nấu chín, mới chế biến, trái cây có vỏ, rửa kỹ bằng nước sạch trước khi ăn. Chọn đồ uống pha từ nước nấu sôi, nước đá sạch, thức ăn đóng gói còn hạn sử dụng. Khi chế biến tại nhà nên chọn mua những thức ăn tươi sống, nếu không sử dụng ngay nên cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt, gói kín trong bao bì hoặc cho vào hộp đậy kín trước khi cho vào tủ lạnh, dùng chất phụ gia tự nhiên trong danh mục cho phép, không dùng trứng đã vỡ, không nếm thức ăn sống. Đặc biệt, không dùng vật dụng đã đựng thức ăn sống để đựng thức ăn chín. Vệ sinh nhà bếp luôn sạch sẽ, tránh gián chuột, bảo vệ thức ăn khỏi côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác. Thức ăn nóng phải giữ ở độ nóng trên 60 độ C, thức ăn lạnh giữ ở dưới 5 độ C, phải có dụng cụ riêng để chọn, gắp thức ăn…
Nguyên Hải

Bình luận (0)