Giữ tâm lý thoải mái là biện pháp tránh say xe tự nhiên nhất
|
Dịp lễ, Tết được nghỉ dài ngày, nhiều người muốn về quê, đi du lịch cùng bạn bè hay gia đình nhưng lại sợ bị say xe.
Xây xẩm mặt mày…
Phải ngồi hàng giờ đồng hồ thậm chí mất cả ngày trời trên xe ô tô thì mới về đến quê là nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người bị say tàu xe. BS.CK1 Đàm Ngọc Tuấn (Giám đốc Phòng khám Đa khoa Thiên Hậu) cho biết: “Say tàu xe thường gặp ở cả nam và nữ, cả người lớn và trẻ em. Người say thường có biểu hiện là buồn nôn, ói, chóng mặt… Đây là phản ứng bình thường của cơ thể khi đi tàu, xe mà không thích nghi được. Nguyên nhân của chứng say tàu, xe là do bộ phận nhạy cảm giữ thăng bằng trong tai bị kích thích khác thường, hoặc do não bộ nhận tín hiệu từ mắt nhưng không đồng nhất với tín hiệu từ tai”. Chị Nguyễn Thị Cẩm (38 tuổi, ngụ quận 8 TP.HCM) chia sẻ: “Cả năm về quê có một lần vào dịp Tết nhưng nghĩ đến xe tôi đã thấy xây xẩm mặt mày mặc dù trước khi đi chuẩn bị rất kỹ lưỡng đủ thứ để phòng nhưng say vẫn hoàn say. Sau mỗi lần đi xe ô tô khi về lại cảm thấy mệt mỏi kéo dài đến mấy ngày…”. Mang tâm lý “nhìn thấy xe đã sợ say” nên không ít hành khách sau một vài lần đi xe ô tô đã khước từ hẳn với loại phương tiện này. Anh Đào Văn Quyền (28 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè TP.HCM) vui vẻ kể về một lần duy nhất anh được “nếm mùi” xe buýt: “Tôi đi xe buýt từ thị trấn Nhà Bè lên đến Bến Thành nhưng để đến đích phải lên xuống xe tới 3 lần vì cứ lên xe là lại buồn nôn do xe đóng kín cửa, bật điều hòa. Là con trai khỏe mạnh bình thường mà bị say xe thì xấu hổ nên mỗi khi bắt đầu có biểu hiện tôi lại kêu xuống xe, đến khi thoải mái hơn xíu lại bắt tuyến khác. Quá tam ba bận cuối cùng đành ngậm ngùi bỏ tiền để đi xe ôm…”. BS. Tuấn cho biết: “Thông thường một người có tầm nhìn sự vật ở một mức độ dao động bình thường, nhưng khi chuyển qua đi tàu, xe với mức độ dao động nhanh hơn, tầm nhìn sẽ không theo kịp với dao động của sự vật xung quanh, nhất là khi xe đảo qua đảo lại, xe chạy nhanh thắng gấp, xe nhấp nhô… Do không thích ứng kịp với việc thay đổi đột ngột tầm nhìn, một số người bị chóng mặt, nhức đầu, nôn ói… Ngoài ra khi đi tàu, xe do hít phải hơi xăng, khói xe, môi trường bị thiếu ôxy, ngột ngạt cũng dễ bị tình trạng say xe, bụng quá đói hoặc quá no cũng dễ say xe. Một số trường hợp khác do không có tiền sử mắc bệnh say xe nhưng vì bị tác động bởi môi trường xung quanh như khi ngồi cạnh người nôn ói cũng khiến họ bị nôn theo. Thiếu ngủ, cơ thể mệt mỏi cũng là nguyên cớ khiến dễ bị say xe”.
Cách phòng tránh thông thường
Biện pháp tránh say tàu, xe hiệu quả và tự nhiên nhất là cần giữ tâm lý thoải mái, tránh đọc sách, báo hoặc sử dụng đồ điện tử khi đi xe. |
Nhiều người thường than phiền là đã làm đủ mọi cách nhưng khi lên xe vẫn bị say như bình thường. Chính vì vậy, trước khi lên xe cần mang theo tâm lý thật thoải mái, không để có tư tưởng say xe lấn át là biện pháp phòng say xe tự nhiên và hiệu quả nhất. Dân gian còn có một số biện pháp như khi đi xe không nên nhìn ra ngoài hoặc cầm một trái chanh hay một viên sỏi trong lòng bàn tay để mân mê làm quên đi việc say xe. Một số người thì chọn vị trí ngồi ở hàng ghế phía trước, cạnh cửa sổ… Mang theo vỏ cam, quýt để ngửi cũng là biện pháp được nhiều người sử dụng. BS. Tuấn khuyến cáo: “Biện pháp quen thuộc mà nhiều người đi xe thường chuẩn bị là uống thuốc phòng tránh say tàu, xe. Nhưng phải chú ý mua thuốc theo chỉ định của BS bởi có một số loại thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, mắc bệnh về tim mạch hay trẻ nhỏ… Riêng đối với trẻ nhỏ thì trước khi lên xe không nên để trẻ ăn nhiều đồ béo, giữ tâm lý thoải mái cho trẻ, không nên để trẻ đọc sách mà nên mở hé cửa sổ để có chút không khí trong lành giúp hạn chế việc say xe”. Tuy nhiên, hiện nay có một điều bất tiện là hầu như các loại xe ô tô đều sử dụng máy lạnh, đóng kín các cửa nên đối với những người bị say tàu xe khi lên xe thường có cảm giác bí bách, khó chịu….
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
BS. Tuấn nhấn mạnh: “Để hạn chế hoặc tránh tình trạng say tàu, xe thì trước khi lên xe không nên để bụng quá đói hoặc quá no, tránh ngồi ở những nơi có gió lùa mạnh. Nửa giờ trước khi đi tàu, xe nên ăn một miếng gừng hoặc ngậm một viên kẹo gừng trong suốt quá trình đi xe có tác dụng làm ấm tỳ vị, giúp không bị nôn”.
|
Bình luận (0)