Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phòng tránh sét đánh vào mùa mưa

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê, từ ngày 5-5 đến 10-6 trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Phước, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Trà Vinh đã xảy ra 13 vụ tử vong do sét đánh. Hầu hết các vụ thương vong đều xảy ra khi người dân đang lao động trên đồng lúc trời mưa hoặc chuyển mưa, cũng có trường hợp trú mưa trong chòi canh ngoài đồng. Trong đó, Ninh Bình là tỉnh có số tử vong cao nhất là 4 người, Thanh Hóa 3 người, Quảng Trị 2 người, Bình Phước 2 người, Hà Tĩnh và Trà Vinh mỗi tỉnh 1 trường hợp.

Các biện pháp phòng tránh

Theo ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, Việt Nam nằm ở tâm giông của châu Á, một trong 3 tâm giông trên thế giới có hoạt động giông sét mạnh. Hoạt động giông sét ở nước ta diễn ra mạnh mẽ từ tháng 4 đến tháng 9, với số ngày giông trung bình khoảng 100 ngày/năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ/năm. Thực tế mùa mưa nào cũng xảy ra nhiều vụ giông sét xảy ra gây tử vong cho người và hư hại nhiều công trình, đường dây tải điện, các thiết bị ngành bưu chính viễn thông, thiết bị nghiên cứu khoa học, thiết bị điện tử gia dụng…

Khi thấy dấu hiệu sấm chớp và sắp có mưa giông, người dân nên lập tức trở về nhà ngay để tránh giông sét

Ông Anh nói rằng để chủ động phòng tránh bị sét đánh, người dân cần nghe dự báo thời tiết để lên kế hoạch làm việc. Tuy nhiên trong trường hợp bất khả kháng phải làm việc hoặc di chuyển khi trời sắp xảy ra giông mà không kịp về nhà, người dân tuyệt đối không đứng thành nhóm người gần nhau, không trú mưa dưới cây cối, tránh xa khu vực có các vật dụng sắt thép như hàng rào sắt, xe máy… Nếu thấy tóc bị dựng lên và có cảm giác điện khi sờ tay trước mặt ti vi, thì lập tức ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.

Viện trưởng lưu ý trong trường hợp tránh sét đánh thì nơi an toàn là các tòa nhà hay công sở có lắp đặt hệ thống cột thu lôi chống sét… Tuy nhiên, dù đứng ở trong nhà, vẫn cần đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện; rút phích cắm các thiết bị điện; tránh tiếp xúc với nước. Đặc biệt tuyệt đối không được nghe điện thoại trong lúc có mưa giông, vì trên thế giới đã có những trường hợp sét đánh thủng não do nghe điện thoại vào lúc đang có giông sét. 

Riêng trong trường hợp bị sét đánh, nạn nhân lâm vào tình trạng ngưng thở và tim ngừng đập, nên cần được hô hấp và trợ tim nhân tạo ngay tức khắc. Sau đó, chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất nhằm cấp cứu kịp thời.

Cẩn trọng với thời điểm chuyển mùa

Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Dự báo ngắn hạn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lưu ý thời điểm hiện nay đang là lúc chuyển mùa, và giải thích rằng hiện tượng này làm cho không khí lạnh di chuyển đẩy rãnh thấp lùi sâu xuống phía Bắc gây xáo động mạnh, tạo ra các hiện tượng tố lốc, mưa đá và đặc biệt là giông sét. So với các nơi thì miền Bắc và Trung bộ bị ảnh hưởng và xuất hiện giông sét nhiều nhất vì đang ở trong giai đoạn chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4 đến tháng 6).

Ông Tuấn cảnh báo rằng khi chuyển mùa xuất hiện giông sét nhiều cũng là lúc nông dân miền Bắc và Trung bộ bước vào vụ gặt rộ, nên khi thấy dấu hiệu sấm chớp và sắp có mưa giông, người dân nên lập tức trở về nhà ngay, tuyệt đối không nán lại ngoài đồng vì sẽ nguy hiểm khi có giông sét.

Ông Tuấn lưu ý, giông sét thường xảy ra trong phạm vi hẹp nhưng thường xuất hiện ở nơi đồng không mông quạnh, bãi đất nhô cao, đồi cao nên người dân chủ động phòng tránh. Ngoài ra, nông dân cũng tránh không cầm liềm cắt lúa, không sử dụng xe vận chuyển nông sản, máy tuốt lúa và cần tránh xa các vũng nước, rãnh nước, mương nước vì sét đánh dễ truyền điện và gây nguy hiểm đến tính mạng người.

Bài, ảnh: Bích Vân

Người dân không nên chủ quan

Ông Vũ Anh Tuấn khuyến cáo, hiện nay, hệ thống quan trắc còn thưa thớt nên không thể cảnh báo được hiện tượng giông sét xảy ra tức thì. Do đó, người dân cần chủ động bảo vệ mình trước.

Ông Tuấn cho biết, hàng năm, miền Bắc và Trung bộ có hai giai đoạn chuyển mùa cần lưu ý vì giông sét xuất hiện nhiều là từ tháng 4-6 (từ mùa lạnh sang mùa nóng) và từ tháng 8-9 (mùa nóng chuyển sang lạnh). Riêng ở Tây Nguyên và Nam bộ thì giông sét thường xuất hiện vào tháng 3, khi trời nóng kèm mưa giông, do đó người dân không nên chủ quan.

 

Bình luận (0)