Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng tránh tai nạn cho trẻ tại nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Một trẻ bị hóc dị vật đang được các BS tiến hành lấy ra. Ảnh: T.B

Không giống như ở trường luôn được các cô giáo giám sát theo một quy trình chặt chẽ, trong 3 tháng hè, việc chăm sóc trẻ đối với các bậc phụ huynh là một nỗi vất vả vì trẻ luôn tò mò và rất hiếu động. Cũng từ đó, nhiều tai nạn nguy hiểm luôn rình rập đe dọa sức khỏe cũng như tính mạng của các bé.

Những tai nạn đáng tiếc
Mới nghỉ hè gần 2 tuần lễ mà trên đầu bé Nguyễn Quốc Vượng – con vợ chồng anh T. đang công tác tại một tòa soạn báo ở TP.HCM đã có 2 vết sẹo và 1 cục u trên đầu, nguyên nhân là do té từ trên cầu thang xuống. Mặc dù đã có người anh 7 tuổi trông em phụ giúp mẹ nhưng mỗi khi vợ anh T. xuống bếp là bé lại tự ý leo lên chiếc cầu thang gỗ để “tìm hiểu thế giới xung quanh”. Thế nhưng, chỉ cần lên 2, 3 bậc là đứa bé 14 tháng tuổi lại ngã nhào xuống nền gạch và sau đó để lại một cục u bầm tím trên đầu.
Hè năm ngoái, vợ chồng anh Thái Văn Hoàn ngụ ở P.Hiệp Thành, Q.12 đã phải chở đứa con gái 3 tuổi vào bệnh viện vì bị phỏng. Trong lúc giặt đồ, chị Hằng đã nghe tiếng khóc thét của con gái khi làm đổ nồi canh mà chị vừa bắc từ trên bếp gas xuống. Hậu quả là nửa người bên phải của cháu M.T đã bị phỏng nặng, cũng may nồi canh chưa đổ ụp lên đầu và mặt cháu.
Cũng đã có chuyện đau lòng về một vài đứa trẻ mất mạng do bị tai nạn té ngã tại các chung cư cao tầng hoặc đuối nước khi nhà ở gần sông hay ao hồ. Để có thời gian làm việc nhà, các bậc phụ huynh thường cho trẻ chơi với những vật dụng đồ ăn thức uống trong nhà. Tuy nhiên, đây thường là thủ phạm giấu mặt gây nên những tai nạn cho trẻ vì theo thói quen trẻ thường cho các “đồ chơi có sẵn” này vào miệng, mũi, thậm chí cả tai. Vì thế, những ca cấp cứu do trẻ nuốt các dị vật như nút áo, dây thun vào miệng hoặc đưa các hạt trái cây vào mũi rất nguy hiểm, thường gặp nhất tại các bệnh viện.
Những ngày hè là dịp để hầu hết trẻ được sống trong ngôi nhà thân yêu của mình. Ở trong thế giới gần với cuộc sống thực tế này, trẻ thường thích thú tìm hiểu vạn vật xung quanh và không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Đây cũng chính là nguyên nhân của những rủi ro ngoài ý muốn xảy ra với trẻ bất kì lúc nào.
Không được thiếu kỹ năng nuôi dạy
Việc chăm sóc trẻ trong gia đình chủ yếu là từ kinh nghiệm được rút ra trong cuộc sống. Hầu hết các ông bố bà mẹ vẫn chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng chăm sóc và bảo vệ trẻ. Cha mẹ ai mà không thương con, thế nhưng chỉ thương vẫn chưa đủ mà phải có trách nhiệm để tình thương đó trở thành một “lá chắn” vững chắc luôn bảo vệ được cơ thể và tính mạng đứa bé. Ở đây, có một mâu thuẫn mà bất kì người bố người mẹ nào cũng phải tự giải quyết, đó là không được quá cưng chiều bao bọc, để trẻ tự biết hòa nhập vào cuộc sống. Ba mẹ chỉ là người đứng từ xa bảo vệ con cái để giải quyết nhanh và kịp thời những sự cố bất trắc xảy ra.
Các bậc phụ huynh nuôi dạy con ngoan, con khỏe là những người đã tự giải quyết được mối mâu thuẫn tưởng như không có sự dung hòa này. Đã có nhiều chuyên gia tư vấn chăm sóc trẻ nhỏ thắc mắc: Tại sao cùng nuôi con như nhau lại có những đứa trẻ luôn bị tai nạn này qua tai nạn khác, nhưng cũng có những đứa trẻ hầu như thật sự an toàn dù có hay không có mặt của cha mẹ? Rõ ràng, những đứa trẻ kém may mắn kia chắc chắn sẽ có phần lỗi của người lớn vì thiếu, cũng như không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng con mặc dù không có độ lệch về tình thương yêu của cha mẹ.
BS. Thái Thanh Thủy – Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo, trẻ nhỏ luôn cần có người lớn quan tâm và chăm sóc bên cạnh lúc chơi, lúc ăn và cả khi ngủ. Để phòng tránh các tai nạn như đuối nước, ngã, hóc dị vật, cha mẹ phải thường xuyên kiểm soát con khi trẻ đứng gần hồ bơi, để các vật dụng có nguy cơ gây tai nạn tránh xa tầm tay của bé, không để bé đùa nghịch những nơi nguy hiểm. Cũng từ đó, cần khuyến khích trẻ chơi trong một không gian mở nơi mà cha mẹ có thể kiểm soát được. Luôn luôn tạo ra môi trường an toàn để phòng ngừa mọi hiểm họa có thể xảy ra từ sự vô ý của người lớn.
Hương Thủy
Cần Thơ: Nhiều trẻ bị đuối nước, rắn cắn dịp hè
Theo BS. Hà Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ thì chỉ mới gần hai tuần đầu kì nghỉ hè nhưng đã liên tiếp cấp cứu trẻ bị tai nạn. Cụ thể, ngày 4-6 tiếp nhận cấp cứu em H.H.S (11 tuổi, ở TP.HCM) về Cần Thơ nghỉ hè, đi tắm sông và bị ngạt nước, hiện sức khỏe của em đã khá hơn, tuy nhiên tổn thương phổi vẫn còn nên tiếp tục điều trị. Một bệnh nhi khác được cấp cứu ngày 3-6 là em C.K.D (13 tuổi, ở Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ). Em D. bị rắn lục đuôi đỏ bò lên chân và cắn khi đi ra vườn. Sau khi được truyền huyết thanh kháng nọc rắn, em D. đã qua cơn nguy hiểm. “Ở khu vực sông nước như đồng bằng sông Cửu Long, các tai nạn đuối nước, rắn cắn… thường xảy ra nhiều trong kì nghỉ hè. Vì vậy, các hoạt động vui chơi hè của trẻ cần sự giám sát của người lớn để kịp thời ứng cứu khi sự cố xảy ra” – BS. Tuấn khuyến cáo!
M.H
 
Một bệnh nhi bị điện giật từ nồi cơm điện
BS. Bùi Văn Đỡ, Phó phòng Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết đang điều trị cho một bệnh nhi bị điện giật từ nồi cơm điện. Đó là  bé N.H.Q,18 tháng tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Được biết, trong lúc mẹ bé vào trong nhà xúc gạo nấu cơm, lúc quay ra thấy con trai tím tái nằm bất tỉnh ngay trên kệ sắt dài, cao khoảng 30cm so với mặt đất, dùng kê nồi cơm điện và một số vật dụng khác trong nhà. Thì ra mẹ bé Q. đã quên rút phích cắm điện nồi cơm từ hôm trước. Bé Q. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện 175 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, các BS đã hồi sức cho tim bệnh nhi đập trở lại rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Hiện, sức khỏe của bé Q. dần hồi phục.
P.V
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)