ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh |
Thời gian gần đây, tại một số cơ sở giáo dục mầm non đã để xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ. Tuy chưa có trường hợp nào nghiêm trọng nhưng cũng gây không ít lo lắng cho phụ huynh và dư luận xã hội. Xung quanh vấn đề này, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM.
PV: Từ đầu tháng 10 đến nay, tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM đã để xảy ra vài vụ tai nạn cho trẻ. Bà có nhận xét gì về vấn đề này?
ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Trong bất kỳ nghề nghiệp nào, trong một thời điểm nào đó cũng có những việc xảy ra ngoài ý muốn. Đối với ngành GD-ĐT, mặc dù chúng tôi đã đưa ra nhiều biện pháp để phòng tránh và chấn chỉnh nhưng lác đác tai nạn vẫn xảy ra.
Thực tế cho thấy, thời điểm nhận trẻ đầu năm học (từ tháng 9 đến tháng 11) là thời điểm thường xảy ra tai nạn. Và tai nạn hay xảy ra với những trẻ mới đi học. Năm học 2010-2011, toàn thành phố có khoảng 270 ngàn trẻ đi học MN, trong đó có gần 80 ngàn trẻ mới. Đây là một con số rất lớn, để đảm bảo an toàn cho các bé là vô cùng khó khăn.
Theo bà những cơ sở GDMN nào dễ xảy ra tai nạn đối với trẻ?
Có thể nói, nơi dễ xảy ra tai nạn nhất cho trẻ là nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) có điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn. Còn giáo viên (GV) vừa thiếu vừa yếu, mỗi lớp có 1 GV và 1 bảo mẫu. GV không được đào tạo chính quy mà đào tạo theo kiểu chắp vá nên không có khả năng lường trước những hậu quả do việc làm của mình. Các cô chỉ nghĩ một cách đơn giản là dọa cho trẻ sợ chứ không nghĩ rằng việc làm đó có thể gây chấn thương tâm lý, thân thể của trẻ. Từ đó dẫn đến những hành động thiếu kiềm chế và gây hậu quả.
Ngoài ra, ở những trường có sĩ số cháu/lớp đông, GV bị áp lực vì một lúc mà trong lớp có nhiều trẻ mới, nếu phương pháp làm quen trẻ mới chưa tốt thì tai nạn cũng có thể xảy ra.
Mặt khác, trong điều kiện làm việc vất vả, lương thấp, hoàn cảnh cá nhân không tốt, sức khỏe không tốt cũng dễ làm cho GV bị áp lực. Để giảm stress, đôi khi GV có những hành vi bạo hành với trẻ.
Trong 80 ngàn trẻ mới đi học, có vài trẻ bị tai nạn. Vậy theo bà những trẻ như thế nào thì dễ có nguy cơ bị tai nạn?
Nếu gửi con ở những cơ sở GDMN ngoài công lập, phụ huynh nên gửi những cơ sở có phép (ảnh chụp tại một trường MN tư thục ở Q.Bình Tân) |
Một số trẻ mới đi học có nhiều vấn đề như chưa biết ăn hoặc ăn uống khó khăn. Có những trẻ 4-5 tuổi mà còn bú bình, uống nước bằng bình, không tự xúc ăn được, không tự đi vệ sinh được. Do khả năng tự phục vụ kém nên trẻ khó hòa nhập với bạn bè, giờ ngủ không ngủ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của lớp, ăn thì ói… Với những trẻ như thế này, GV rất dễ nổi cáu và có thể dẫn đến những hành vi không tốt cho trẻ.
Sự hiếu động của trẻ, không tuân thủ các nội quy trong lớp học như bạn bè cũng dễ dẫn đến tai nạn cho trẻ.
Để đảm bảo an toàn cho con, phụ huynh cần phải làm gì thưa bà?
Phụ huynh cần phải khó tính hơn trong việc chọn trường cho con. Như hiện nay, có khá nhiều phụ huynh quá dễ dãi. Con cái là “cục vàng” chứ có phải “cục sắt gỉ” đâu mà bạ đâu gửi đấy.
Phụ huynh cần hiểu rằng cơ sở nào để bảng hiệu là “trường MN” thì đó là trường, còn chỉ ghi là MN thì đó là NTGĐ. Nếu gửi con ở NTGĐ, phụ huynh phải giám sát chặt chẽ điều kiện sinh hoạt của con tại đây, từ chỗ ăn, chỗ ngủ đến nhà vệ sinh, chỗ vui chơi. Các ông bố, bà mẹ nên lưu ý, những cơ sở GDMN ngoài công lập mà thu dưới 1 triệu đồng/tháng là không đảm bảo. Ở đó, cơ sở vật chất không an toàn, GV không có chuyên môn – chủ yếu là tay ngang, còn người quản lý thì không có kinh nghiệm… Nếu không gửi con vào được các trường MN công lập, tốt nhất phụ huynh nên gửi ở những trường MN tư thục có phép.
Trước khi cho con đi học, phụ huynh phải tập cho trẻ thói quen tự phục vụ – tự xúc ăn, tự đi vệ sinh (đối với trẻ mẫu giáo)… Ngoài ra, khi xác định gửi con tại cơ sở nào thì phụ huynh phải tập cho trẻ ăn thức ăn của cơ sở đó. Những ngày đầu đi học, phụ huynh không thể bỏ trẻ lại trường cả ngày vì trẻ sẽ sốc, dẫn đến quấy khóc, không ăn, không ngủ và tai nạn cũng rất dễ xảy ra. Phụ huynh cần dành thời gian vào trường với con để trẻ từ từ làm quen với môi trường mới. Khi nào trẻ thật sự quen thì hãy để lại cả ngày.
Cha mẹ cần phối hợp với GV trong việc chăm sóc trẻ, nếu trẻ bệnh thì nên để ở nhà. Nhiều phụ huynh giấu bệnh của con bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt rồi gửi vào trường để đi làm. Trẻ bệnh mà đi học thì rất dễ xảy ra chuyện. Tóm lại, phụ huynh không nên thảy hết trách nhiệm cho nhà trường mà phải chia sẻ 1/2 trách nhiệm này để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Còn đối với ngành GD-ĐT thì phải làm gì thưa bà?
Nếu gửi con ở những cơ sở GDMN ngoài công lập, phụ huynh nên gửi tại những cơ sở có phép. Ảnh: N.Hùng |
Về phía các cơ sở GDMN, yêu cầu phải đảm bảo đủ GV theo điều lệ trường MN. Nếu không đủ thì nhất quyết không được nhận trẻ mới. Chủ cơ sở phải ràng buộc GV bằng các chế độ, chính sách như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các cơ sở phải cung cấp cho GV những điều GV không được làm đối với trẻ, phải lường được hậu quả của việc mình làm. Những GV có hành vi bạo lực đối với trẻ, trước khi cho nghỉ việc phải ghi vào hồ sơ pháp lý về hành vi này. Khi tuyển GV, không nhận người tay ngang, những GV có tiền sử về bạo hành trẻ vì dễ xảy ra sự cố. GV mới cần phải được thử thách tay nghề và đạo đức, nếu không đảm bảo thì bố trí công việc khác. GVMN ngoài tình thương đối với trẻ, còn phải có tính kiên nhẫn. Khi sắp xếp công việc cho GV mới nên để làm chung với GV cũ có tay nghề, kinh nghiệm…
Đối với các phòng GD-ĐT quận, huyện phải bổ sung nhân sự để tăng cường việc thanh – kiểm tra các cơ sở GDMN. Ban giám hiệu các trường MN công lập trên địa bàn cũng phải tích cực hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho những cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn trường mình đóng.
Ở cấp sở, chúng tôi sẽ làm việc thêm với các trường sư phạm trong việc đào tạo GVMN. Các trường cần phải tăng cường giáo dục đạo đức, quy định pháp lý, tâm sinh lý của trẻ cho giáo sinh. Trên thực tế, các trường sư phạm chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.
“Ở ngành y, nếu y – bác sĩ vi phạm y đức thì sẽ bị tước giấy phép hành nghề. Nhưng ở ngành GD-ĐT thì chưa thấy điều đó. Thiết nghĩ những GV có tiền sự bạo hành trẻ thì không được phép làm GV nữa. Vì GV mà đánh trẻ thì không thể coi là GV được” – ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh bức xúc. |
Song song, sở chấn chỉnh lại các cơ sở GDMN, nhất là NTGĐ. Yêu cầu các cơ sở giảm sĩ số cháu, không nhận quá quy định (50 cháu/2 lớp/NTGĐ). Nơi nào muốn nhận thêm trẻ thì phải đầu tư cơ sở vật chất, GV và làm thủ tục xin nâng cấp lên trường. Sở sẽ làm nghiêm vấn đề này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu đưa ra mức học phí và tiền ăn tối thiểu tại các cơ sở GDMN ngoài công lập, để làm sao đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho cháu cũng như lương của GV. Vì nếu thu thấp quá là không an toàn…
Đối với chính quyền, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường tại các phường, xã chưa có trường MN công lập. Phải đảm bảo ít nhất mỗi phường, xã có 1 trường MN công lập để người dân nghèo có nơi gửi con. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chế độ hỗ trợ đối với các NTGĐ ở những khu dân cư nghèo…
Nếu có sự phối hợp tốt giữa ba bên là phụ huynh, nhà trường và chính quyền thì sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ.n
Kim Anh (thực hiện)
Trong buổi họp giao ban với các trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện ngày 13-10, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo: “Để đảm bảo an toàn cho trẻ MN, phòng GDMN – Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT quận, huyện phải thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra. Kiểm tra từ cơ sở vật chất đến nhân sự. Làm kỹ chừng nào thì trẻ được an toàn chừng đó…”. |
Bình luận (0)