Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phòng tránh “tẩu hỏa nhập ma” vì… ôn thi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 Bị áp lực, kỳ vọng quá lớn vào kết quả kỳ thi; học quá sức không cân đối với nghỉ ngơi… là những nguyên nhân khiến học sinh có thể bị stress kéo dài.
Tuổi thiếu niên có nhiều biến động về tâm sinh lý, tính cách còn non nớt lại phải học hành căng thẳng nên đôi khi những lời chê trách nhỏ của người lớn cũng có thể khiến các em bị khủng hoảng tâm lý. Sự kỳ vọng và tạo áp lực quá lớn vào kết quả thi cử có thể khiến các sĩ tử bị stress kéo dài, dễ dẫn đến rối loạn tâm thần.
Đang căng, dễ bị sốc
TT (nữ, 19 tuổi, ở Đồng Nai) năm trước thi rớt đại học, năm nay tiếp tục ôn thi. Hơn một tháng nay T. có những biểu hiện bất thường như khó ngủ, hay hồi hộp lo lắng, ăn không ngon, mệt mỏi…, được người nhà đưa đến BV Tâm thần Trung ương 2 khám bệnh.
HT (nữ, ở Vũng Tàu) luôn là học sinh giỏi nhưng đến năm 12 em không được xếp loại giỏi vì lo tập trung cho các môn tự nhiên và lơ là môn văn. Cô giáo chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy văn của T. cho rằng em coi thường môn văn, làm ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp nên la rầy. Thái độ của cô giáo làm T. rất căng thẳng, lo lắng và sợ hãi. Mấy đêm liền T. mất ngủ, biếng ăn, sợ sệt, rồi quậy phá, khóc lóc, thậm chí đòi nghỉ học và có lúc nghĩ đến chuyện tự tử.
Dẫn con đến phòng khám tâm thần, mẹ HT tâm sự: “Mỗi khi bước vào lớp học là nó sợ sệt, sợ không tiếp thu được bài giảng, sợ không làm được bài tập, lo lắng khi đăng ký vào ngành này, trường kia… Hễ không trả lời được câu hỏi của cô giáo, bị cô la mắng là nó lại bỏ ra biển ngồi đến khuya…”.
Theo bác sĩ Lương Hữu Thông, nguyên Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2, việc ôn thi và học tập quá mức sẽ khiến các em luôn phải chịu một “stress áp lực” thường trực. Với dạng stress này, đầu óc các em sẽ căng ra, nếu gặp thêm một khủng hoảng hay một tác động bất lợi khác (stress cấp) thì các em sẽ rơi vào hoảng loạn. Không vượt qua được các hoảng loạn này, bệnh nhân có thể bị rối loạn tâm thần cấp.
Chuyên viên tâm lý Lê Minh Công, BV Tâm thần Trung ương 2, cho rằng học hành căng thẳng, lo lắng cho kỳ thi, chịu áp lực quá lớn… thường dẫn tới stress trường diễn. Nhiều học sinh thi rớt cũng bị stress sau sang chấn.
Cần ngủ đủ
Theo bác sĩ Thông, đối với những học sinh có biểu hiện stress, gia đình và người thân nên bình tĩnh, trò chuyện với con cái nhiều hơn để khơi gợi và tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tìm cách giải tỏa tâm lý đó. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên chú ý đến giấc ngủ, phục hồi nhịp sinh học (thức ngày, ngủ đêm đầy đủ), trong trường hợp cần thiết có thể dùng thuốc ngủ ở liều vừa đủ. Nếu học sinh có những triệu chứng về tâm thần như trầm cảm, hưng cảm, ảo giác, hoang tưởng thì cần đưa đến các bệnh viện tâm thần hoặc bác sĩ chuyên khoa để thăm khám.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên viên tâm lý Lê Minh Công cũng cho rằng mỗi tình trạng bệnh thường có phương án điều trị khác nhau. Nếu học sinh rơi vào trạng thái stress bệnh lý hoặc rối loạn tâm thần liên quan đến stress thì cần đến trung tâm tham vấn tâm lý chuyên nghiệp hay bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị phù hợp.
“Khi bước vào mùa thi, các bậc phụ huynh cần động viên chứ không nên tạo áp lực hoặc đặt ra chỉ tiêu quá sức so với con mình. Cha mẹ không nên quá ảo vọng, cay cú hoặc mắng nhiếc nếu các em không đạt kết quả đúng ý mình. Các em học sinh cần đảm bảo chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt điều độ. Đặc biệt là giấc ngủ, không nên để xảy ra tình trạng mất ngủ, thức trắng đêm kéo dài từ ngày này qua ngày khác” – bác sĩ Thông khuyên.
Những biểu hiện cần chú ý
Các biểu hiện của stress bệnh lý tập trung vào ba yếu tố chính. Về thể chất, bệnh nhân thấy đau đầu, căng thẳng, ra mồ hôi nhiều, lạnh chân tay, run chân tay, nhịp tim tăng, cảm thấy ngộp thở, hồi hộp, đứng ngồi không yên… Về tâm lý, cảm xúc, họ thường cảm thấy buồn chán, lo âu, mệt mỏi, bi quan, mất hứng thú… Về quan hệ xã hội,người bệnh sẽ thu mình, ít tiếp xúc với xã hội, thay đổi thói quen sinh hoạt; suy giảm các mặt như tình dục, quan hệ xã hội, học tập…
Phòng ngừa, thích ứng với stress:
– Hãy coi chuyện đi thi là bình thường và phải thực hiện nó. Đừng xem chuyện thi cử là ghê gớm lắm.
– Không nhất thiết phải cứ học ngày học đêm mà nên học đúng phương pháp để đạt hiệu quả cao.
– Cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh việc học cần có thời gian tập thể dục, tham gia các hoạt động xã hội thì quá trình nhận thức mới có thể tốt lên.
– Về chế độ dinh dưỡng, cần dung nạp vừa đủ chất vitamin có trong rau củ quả hay các chất canxi có trong tôm, cua.
– Học sinh đừng tạo áp lực cho chính bản thân. Gia đình cũng đừng quá tạo áp lực cho các em, hãy đặt ra các mục tiêu gần để các em có thể tiến tới. Mục tiêu quá xa sẽ tạo ra những kỳ vọng không chính đáng, điều đó rất dễ dẫn các em tới nguy cơ stress.
Chuyên viên tâm lý LÊ MINH CÔNG, BV Tâm thần Trung ương 2
Theo Huyền Vi
(Phapluattp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)