Chỉ trong 6 ngày, từ ngày 3-2 đến 8-2-2017, trên địa bàn TP.HCM và Quảng Nam đã xảy ra 4 vụ cháy xe khách liên tục. Tiến sĩ Phạm Sanh – chuyên gia giao thông cho rằng, việc tìm ra nguyên nhân để đưa ra những bài học kinh nghiệm và khuyến cáo cách phòng tránh là việc cần phải làm ngay, nhằm đảm bảo an toàn cho cả hành khách và phương tiện lưu thông trên đường.
Xe khách 16 chỗ bị thiêu rụi trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương vào sáng ngày 8-2. Ảnh: T.L |
2 vụ cháy trong một ngày
Đó là vụ cháy xe khách 45 chỗ, xảy ra vào khoảng 6 giờ sáng ngày 8-2 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua đèo Lò Xo thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sự việc diễn ra khi xe khách đang lưu thông qua địa bàn huyện Phước Sơn thì bất ngờ bốc cháy. Rất may hành khách và tài xế đều kịp thời rời khỏi xe nên không có thương vong về người. Tuy nhiên, hành lý của khách bị cháy gần hết và chiếc xe cũng bị cháy rụi đến trơ khung sắt. Tình trạng này khiến CSGT không thể nhận diện được bảng số xe. Thậm chí lực lượng chức năng cũng chưa xác định được số lượng hành khách đã thoát nạn, do khi tiếp cận được hiện trường thì tài xế và hành khách đã rời đi hết.
Tương tự, vào khoảng 10 giờ 30 cùng ngày, trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương cũng có một xe khách bị cháy. Tai nạn xảy ra khi chiếc xe 16 chỗ do tài xế Trần Ngọc Tâm điều khiển trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, hướng từ miền Tây về TP.HCM, khi lưu thông đến khu vực ấp Tân Lập, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, Tiền Giang thì phía đầu xe bỗng dưng bốc cháy. Ngay lập tức tài xế tấp xe vào lề đường và mở cửa cho 14 hành khách tháo chạy. Chỉ 20 phút sau toàn bộ chiếc xe đã bị lửa thiêu rụi.
Theo chuyên gia giao thông – tiến sĩ Phạm Sanh, tình trạng cháy xe thường do lỗi kỹ thuật nhiều hơn, ít khi do tài xế hoặc đường sá. Đa phần nguyên nhân gây cháy có thể do hệ thống điện bị thay đổi, do hệ thống cơ, hoặc do bất cẩn làm rò rỉ xăng dầu… Tuy nhiên, những hạn chế này hầu hết đều có thể khắc phục thông qua công tác kiểm định. |
Trước khi xảy ra 2 vụ cháy xe khách trên, trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã từng xảy ra vụ cháy xe 29 chỗ vào ngày 4-2. Được biết, khi xe đang trong hành trình từ Tiền Giang về TP.HCM, khi đi qua huyện Bến Lức (Long An) thì bất ngờ bốc cháy dữ dội và hành khách cũng may mắn thoát nạn. Một ngày trước, xe khách giường nằm 42 chỗ của nhà xe Tây Nguyên, xuất phát từ Gia Lai đi Quảng Bình do tài xế Thái Văn Lợi điều khiển, khi đổ đèo Lò Xo cũng bất ngờ bốc cháy ở phía đuôi xe. 7 người trên xe may mắn chạy thoát, còn chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân của các vụ cháy xe khách nói trên. Đó cũng là điều khiến cho người dân lo ngại về sự an toàn của loại phương tiện này. Không chỉ xảy ra tình trạng cháy xe khách, vào khoảng 5 giờ 45 sáng ngày 10-2, tại km số 484 trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xảy ra một vụ cháy xe tải. Rất may không có ai bị thương vong. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do chập điện từ hệ thống chiếu sáng ở cabin xe.
Cần công khai kết quả điều tra
Theo chuyên gia giao thông – tiến sĩ Phạm Sanh, tình trạng cháy xe thường do lỗi kỹ thuật nhiều hơn, ít khi do tài xế hoặc đường sá. Đa phần nguyên nhân gây cháy có thể do hệ thống điện bị thay đổi, do hệ thống cơ, hoặc do bất cẩn làm rò rỉ xăng dầu… Tuy nhiên, những hạn chế này hầu hết đều có thể khắc phục thông qua công tác kiểm định.
Theo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới, khi lực lượng chức năng cho dừng xe để kiểm tra, sẽ sử dụng thiết bị để kiểm tra để phát hiện những nguy cơ rủi ro do cháy. Ở nước ta chưa làm được điều này, thì khi xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra xác định nguyên nhân (do ai, do bất cẩn của chủ xe hay tài xế, hoặc do tiêu chuẩn kiểm định…). Từ đó nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục, và truy tố xử lý tác nhân gây ra cháy xe. Tuy nhiên, kết quả điều tra về nguyên nhân gây cháy cũng cần được cơ quan chức năng phân tích kỹ càng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc báo cáo trong các đợt sơ kết về ATGT. Qua đó, nhằm tuyên truyền và nâng cao ý thức cho các doanh nghiệp, tài xế và người dân nói chung.
Thực tế cho thấy tình hình ngày càng bất lợi do xe ngày càng cũ, tình trạng tiêu cực ở trạm kiểm định cũng vẫn còn, các phương tiện xe khách còn thiếu búa thoát hiểm, thiếu bình chữa cháy… Do đó, bên cạnh công tác kiểm soát của lực lượng chức năng, tại các bến bãi cần có lực lượng kiểm soát các thiết bị an toàn, PCCC cần thiết trên xe. |
Tiến sĩ Sanh lưu ý, những vụ cháy xe khách vừa qua đều xảy ra vào ban ngày. Giả sử nếu cháy vào ban đêm sẽ gây thiệt hại nhiều vì khi hành khách ngủ say, sẽ không kịp thoát thân, nhất là khi lưu thông trên các loại xe giường nằm. Thực tế cho thấy tình hình ngày càng bất lợi do xe ngày càng cũ, tình trạng tiêu cực ở trạm kiểm định cũng vẫn còn, các phương tiện xe khách còn thiếu búa thoát hiểm, thiếu bình chữa cháy… Do đó, bên cạnh công tác kiểm soát của lực lượng chức năng, tại các bến bãi cần có lực lượng kiểm soát các thiết bị an toàn, PCCC cần thiết trên xe. Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần xem lại quy chuẩn đóng xe khách giường nằm, cần trang bị các thiết bị an toàn, ngoài cửa lên xuống rất cần thiết kế cửa thoát hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho người lưu thông khi xảy ra sự cố do cháy. Tiến sĩ Sanh cho rằng, Ủy ban ATGT quốc gia cũng nên vào cuộc và có những nghiên cứu cần thiết để góp phần cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả và triệt để hơn.
Vũ Phương
Bình luận (0)