Theo các nguồn tin từ Mỹ, cuộc biểu tình "Chiếm Phố Uôn" ở Niu Oóc (Mỹ) không có dấu hiệu lắng xuống mà tiếp tục lan ra nhiều thành phố khác trên toàn nước Mỹ, với quy mô và tầm ảnh hưởng lớn, trong đó có các thành phố lớn và quan trọng như Oa-sinh-tơn DC, Lốt An-giơ-lét, Chi-ca-gô…
Họ đã gửi tới Chính phủ LB Mỹ thông điệp yêu cầu cải cách kinh tế, đòi việc làm, phản đối cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan. Họ xuất bản một tờ báo riêng với tên gọi "The Occupied Wall Street Journal". Các quầy bán thực phẩm, thư viện nhỏ và bệnh viện tạm thời cũng được lập ra chuẩn bị "chiến đấu" lâu dài.
Tại Thủ đô Oa-sinh-tơn DC, hàng trăm người biểu tình và cắm trại ở khu vực giữa Nhà trắng và Trụ sở QH, trương các khẩu hiệu: "Hãy chiếm Oa-sinh-tơn DC ngay bây giờ", "Những kẻ ăn không ngồi rồi đang tiêu tiền của người khác, những trẻ em đang chết dần", "Hãy chấm dứt chiến tranh" và kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia biểu tình.
Phản ứng về phong trào phản kháng này, ngày 6-9, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã phải họp báo tại Nhà trắng và nói rằng, những người biểu tình "đang lên tiếng bày tỏ sự thất vọng lớn về cách thức hoạt động của hệ thống tài chính". Ông Gim Cô-hen, giáo sư khoa học chính trị và ông Giôn Din-gơ, giáo sư Ðại học Cô-lăm-bi-a dự đoán, những người biểu tình sẽ tạo ra một ảnh hưởng lâu dài với những người hoạch định chính sách và buộc họ phải tiến hành những bước cải tiến đúng đắn.
* Ngày 7-10, hàng nghìn sinh viên I-ta-li-a đã xuống đường biểu tình phản đối các biện pháp của chính phủ cắt giảm ngân sách trong các trường công và không giải quyết việc làm cho thanh niên. Tại Thủ đô Rô-ma, một số trường học đóng cửa, giáo viên không đến lớp, sinh viên không đến trường. Một số thanh niên quá khích đã ném sơn vào cảnh sát. Tại Mi-la-nô, sinh viên đã tiến công văn phòng của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s, sau khi cơ quan này đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với I-ta-li-a do lo ngại Chính phủ khó có khả năng giảm được gánh nợ công tương đương 118% GDP.
Theo NDĐT
Bình luận (0)