Vụ cháy ngôi nhà 4 tầng được bao quanh bởi hàng rào thép tại Hà Nội, khiến cho các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải tốn thêm nhiều thời gian “phá cũi” tiếp cận hiện trường cứu hộ, không chỉ là lời cảnh cáo cho người dân Hà Nội, mà còn trở nên hữu ích cho TP.HCM, nơi mà tình trạng lắp lồng sắt chống trộm cũng được sử dụng khá phổ biến.
Căn nhà tại số 100/27 đường Đất Thánh được phủ khung sắt từ tầng lầu tới tầng trệt, không có bất kỳ lối thoát hiểm nào |
Không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở nhà cao tầng
Đó là khuyến cáo của Cục PCCC và cứu nạn cứu hộ sau vụ cháy ngôi nhà 4 tầng tại số 48 Phố Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào rạng sáng ngày 19-7 vừa qua. Được biết toàn bộ ban công ở các tầng của ngôi nhà này đều được lắp hàng rào thép kiên cố, nên các chiến sĩ PCCC đã phải mất nhiều thời gian và công sức bắc thang leo lên từng tầng, dùng kìm cắt lồng sắt để giải cứu các nạn nhân. Tuy nhiên, chỉ có thanh niên 17 tuổi may mắn thoát nạn, còn hai mẹ con của người chủ nhà đã tử vong vì ngạt khói ở tầng 3.
Sau vụ việc trên, một vài hộ dân trên đường Bắc Hải (phường 6, Tân Bình) đang “sở hữu” biện pháp chống trộm này rất lo lắng. Bà Nguyễn Thị Hai, một trong số hộ dân lắp lồng sắt cho biết, mấy ngày nay bà đang tìm thuê người làm cửa sổ cho lồng sắt, “để phòng khi có hỏa hoạn thì có đường thoát thân. Nhà tôi làm cái này mấy năm nay rồi, chủ yếu là để chống trộm vì ở tầng trệt cho người ta thuê làm công ty nên cần an ninh để bảo vệ tài sản cho họ. Chưa kể nhà cũng có trẻ con nên cần sự an toàn mà lại có chỗ phơi đồ rất tiện. Sau vụ cháy ở Hà Nội, tôi mới thấy “giật mình” vì chỉ tính đến đường chống trộm chứ không nghĩ đến trường hợp nếu có hỏa hoạn xảy ra”.
Sự chủ quan của bà Hai, có lẽ cũng là vấn đề chung của các hộ dân trên con đường này. So với các tuyến đường khác, có lẽ đây là nơi có mật độ khá dày đặc các hộ sử dụng khung sắt ở ban công với mục đích chống trộm. Chỉ tính trong bán kính khoảng 500m, từ đầu đường Bắc Hải (đoạn giao với CMT8) đến Trường Tiểu học Bắc Hải, đã có khoảng 30 hộ dân có ban công (1 tầng đến 3 tầng) được thiết kế hàng rào sắt kiên cố. Sự cẩn trọng này ngoài mục đích “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cũng sẽ là vật cản bít lối thoát thân theo hướng mái nhà hoặc ban công sang nhà bên cạnh trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Theo quan sát của người viết, trong số các gia đình sử dụng biện pháp chống trộm này, chỉ có nhà của diễn viên Nguyễn Văn Tùng (phường 15, quận 10) tiến bộ hơn khi có thiết kế cửa ra vào cho khung sắt trên sân thượng và hộ dân cho Ministop thuê mặt bằng (212-214 Bắc Hải, phường 6, quận Tân Bình) có làm cửa trên khung sắt ban công. Cách làm này đang được một số gia đình làm theo nhằm dự phòng lối thoát trong những trường hợp khẩn cấp.
Biện pháp PCCC cần thiết cho gia đình
Từ kinh nghiệm của vụ cháy do ngôi nhà được thiết kế gây khó khăn cho việc thoát hiểm như trường hợp ở Hà Nội vừa qua, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ khuyến cáo, để đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở dân dụng, chủ hộ không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trong trường hợp đã lắp thì phải có cửa ra vào cho lồng sắt (có sử dụng ổ khóa). Vì lồng sắt đã có ổ khóa nên cửa ra vào ban công hoặc tầng thượng của căn nhà chỉ nên sử dụng chốt gạt, để khi có cháy thì không mất thời gian mở ổ khóa. Đồng thời, các gia đình cũng nên chuẩn bị sẵn thang, thang dây; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như búa thoát hiểm, kìm cộng lực… Trong trường hợp xảy ra cháy cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh, lập tức báo cho cảnh sát PCCC 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất. Trong khi chờ được ứng cứu, gia đình nên sử dụng phương tiện chữa cháy hiện có và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
Theo khuyến cáo của Thượng tá Đỗ Thanh Hải (Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ), các gia đình cần chủ động dự phòng nhiều phương án thoát hiểm như lối thoát hiểm chính, lối phụ, lối qua mái, qua cửa sổ, qua ban công nhà bên cạnh… Đối với những hộ đã làm khung sắt ở ban công, thì không nên hàn cố định mà phải có cửa mở ra vào. Chìa khóa của cửa lồng sắt cần được cất vào chỗ cố định và dễ lấy để tất cả các thành viên trong gia đình đều được biết.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ gây hỏa hoạn, Thượng tá Hải cho rằng mỗi hộ gia đình cần nâng cao ý thức về PCCC cho từng thành viên. Trước khi đi ngủ phải sàng lọc nguyên nhân gây cháy như tắt các thiết bị điện không cần thiết (rút phích điện ra khỏi ổ cắm); tuyệt đối không sạc pin xe đạp điện, điện thoại, bếp điện qua đêm; khóa bình gas, kiểm tra nơi đun nấu, tắt công tắc điện xe máy, kiểm tra nơi thờ cúng… Bên cạnh đó, các hộ gia đình nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị báo rò rỉ gas, trang bị mặt nạ lọc độc và các thiết bị PCCC tại chỗ.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)