Đời sống xã hội nước ta từ ngàn xưa có vô vàn tục lệ còn truyền lại đến nay, nhiều phong tục mang ý nghĩa tốt đẹp vẫn được duy trì, cạnh đó, một số hủ tục không còn phù hợp đã dần bị loại bỏ.
Theo Hán Việt từ điển, phong có nghĩa là thói quen, phong tục chỉ chung các thói quen có từ lâu đời trong nếp sống của một vùng, một nước; hủ tục là thói quen có từ lâu đời, thối nát xấu xa; còn tục lệ là lề thói có từ lâu. Còn theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), phong tục là danh từ chỉ thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo; danh từ hủ tục chỉ phong tục đã lỗi thời; còn tục lệ là nói khái quát về điều quy định có từ lâu đời, đã trở thành thói quen trong đời sống xã hội.
Ba ngày Tết
Theo truyền thống, Tết Nguyên đán được xem là Tết Cả, là ngày lễ lớn nhất trong năm – một sự kiện văn hóa lớn của người Việt, nhiều tục lệ ngày Tết đậm đà bản sắc văn hóa vẫn duy trì đến nay, được thể hiện qua ngôn ngữ. Thành ngữ “ba ngày Tết” thường được hiểu là quãng thời gian bắt đầu từ sau thời khắc giao thừa và kết thúc sau ngày mùng ba tháng giêng; đây là khoảng thời gian mà người lao động không phải làm lụng, hoàn toàn nghỉ ngơi, sau cả năm vất vả lao động, làm ăn; cũng là dịp đoàn tụ gia đình, nên Tết có vai trò và giá trị lớn về đời sống tâm linh, tình cảm người Việt; lưu truyền, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, đánh dấu cho việc khởi đầu năm mới tốt đẹp, hy vọng một năm mới bình an, may mắn, thành công.
Sống Tết chết giỗ
Thành ngữ nêu một nét đẹp của đạo lý dân tộc, hàm ý khi mà người làm ơn cho ta còn sống thì ta phải lễ tết, chúc tụng chu đáo, còn khi người đó mất rồi, ta luôn nhớ cúng giỗ nghiêm chỉnh theo phong tục. Ý chung của thành ngữ là phải nhớ ơn, kính trọng họ mãi mãi, cả lúc còn sống cũng như khi đã mất. Có ý kiến cho rằng thành ngữ nói về sự ghi ơn của con cái đối với cha mẹ, lúc họ còn sống mình phải phụng dưỡng, kính trọng, mỗi dịp lễ tết trong năm đều phải có lễ vật dâng biếu cha mẹ, sau khi họ qua đời thì thờ kính cúng giỗ đàng hoàng.
Thực ra, ngoài nghĩa con cái bày tỏ lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục của tứ thân phụ mẫu, còn hàm cả ý trò nhớ ơn thầy dạy, mọi người tri ân những ai đã từng cưu mang hay giúp đỡ nhiều mà mình cần phải ghi nhớ mãi mãi.
Sêu Tết
Sêu Tết là mang lễ vật đến nhà cha mẹ vợ trước Tết để lễ tổ tiên, biếu Tết. Từ điển tiếng Việt giải thích: Sêu Tết là động từ nói khái quát tục lệ đi sêu; động từ sêu chỉ nhà trai – khi chưa cưới – đưa lễ vật đến biếu nhà gái trong các dịp Tết. Cùng một hành động dâng biếu lễ vật, quà cáp nhạc gia dịp Tết trong cả nước, nhưng ở Bắc bộ, tiến hành vào thời gian trước khi cưới nhau thì gọi đi sêu, lúc đã nên duyên vợ chồng thì chuyển sang gọi là đi Tết; còn trong vùng Trung – Nam bộ thì không dùng từ đi sêu, chỉ gọi chung là đi Tết. Thành ngữ “hồng cốm tốt đôi” cũng như câu ca dao “Tưởng rằng em chửa có chồng/ Để anh mang cốm mang hồng đi sêu” là nói về phong tục này.
Ngày trước, khi nhà trai đã dạm ngõ nhà gái (cho đến ngày cưới thường cách xa một vài năm, tùy vào hoàn cảnh đôi bên, hoặc chờ chọn ngày lành tháng tốt), đôi bên trở thành thông gia tương lai, thì nhà trai bắt đầu thực hiện tục lệ đi sêu; cứ đến bốn ngày Tết lớn trong năm, gồm Tết Đoan ngọ mùng năm tháng năm, Tết Trung thu rằm tháng tám, Tết Cơm mới mùng mười tháng mười và Tết Nguyên đán thì nhà trai sẽ đem biếu thông gia những món đặc sản mùa nào thức nấy, cùng với lời cầu chúc tốt lành, mong cho đôi trẻ sớm được về chung một nhà.
Tục “sêu Tết” được hiểu theo nghĩa như một hình thức nhà trai tạ ơn nhà gái, xuất phát từ đạo nghĩa phu thê, tình nghĩa vợ chồng, tri ân nhạc gia về công sinh thành, dưỡng dục nên con dâu tương lai. Phong tục hiếu kính cao cả này của người Việt còn lưu truyền cho đến nay.
Giận đến chết, ngày Tết cũng thôi
Thành ngữ nhằm ý giáo huấn: Trong cuộc sống mọi người tránh sao được đôi lần va chạm hoặc gây phật ý nhau, nhưng khi Tết về thì tự nhiên rũ bỏ những giận hờn, bực dọc, khép lại bất hòa năm cũ, vui vẻ bỏ qua cho nhau. Tết như một sợi dây thân tình, kết nối con người xích lại gần nhau trong cảm thông, yêu mến, là cơ hội cho mọi người hòa giải những bất đồng xưa cũ.
Đó là giá trị đạo đức và nhân văn mà người Việt luôn hướng đến, cho “ba ngày Tết” thực sự đúng nghĩa là thời gian vui vẻ, hạnh phúc với tất cả mọi người, cùng nhau chan hòa trong tình cảm tốt đẹp, mở ra những niềm hy vọng mới.
Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi
Muối có vị trí rất quan trọng trong đời sống hằng ngày, có lẽ đứng sau gạo; theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm để lấy hên, lấy lộc, thêm sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái, tăng sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình. Còn vào những ngày giáp Tết, chuẩn bị đón năm mới, người xưa thường mua vôi về trám lại các vết nứt nhà, quét lại tường, cổng cho mới mẻ, mong xóa đi những điều không hay trong năm cũ, ngoài tác dụng trừ tà, ngăn ma quỷ tục lệ còn thể hiện một sự khởi đầu để sửa chữa những sai lầm, thất bát đã qua, hy vọng tránh được điều xui rủi, đen đủi năm cũ. Ý nghĩa của thành ngữ còn ngầm ý cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, tiêu xẻn”, sống tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Mua muối vào ngày đầu năm, mua vôi cuối năm là tục lệ từ xa xưa của người Việt, nay đã mai một, nên không còn nhiều người hiểu ý nghĩa của nó, tuy nhiên, bài học giáo dục cha ông đúc kết qua bao thế hệ thì mãi còn giá trị.
Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy
Còn có dị bản: Mùng một ở nhà cha, mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy. Theo tập tục, mùng một con cái trong nhà họp mặt chúc Tết cha mẹ, mừng tuổi con trẻ, chia sẻ tâm tình; mùng hai về bên ngoại chúc Tết, bày tỏ sự biết ơn và tấm lòng hiếu thảo; mùng ba những bạn đồng môn hẹn nhau đi chúc Tết thầy cô, cùng ôn lại những kỷ niệm thời đèn sách. Tiền thân của nó là câu tục ngữ hai vế “Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy”, về sau được phát triển thêm vế “mồng hai Tết mẹ” cho hợp tình, hợp nghĩa “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, với ý nghĩa cha là phía nội, mẹ là phía ngoại và lý giải mồng một thì chúc Tết họ nội, sang mùng hai về chúc Tết họ ngoại, đến mùng ba thì đi chúc Tết thầy – người đã có công dạy dỗ hoặc truyền nghề cho mình.
Phong tục Tết Việt qua ngôn ngữ thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạo lý cao cả, tôn vinh truyền thống uống nước nhớ nguồn, kính hiếu mẹ cha, tôn sư trọng đạo, giữ hạnh phúc gia đình, tăng hòa hiếu trong cộng đồng; chúng sẽ mãi lưu truyền trong dòng chảy văn hóa dân tộc, thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, mới mẻ phù hợp với thời đại.
Thành Dương
Bình luận (0)