Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phỏng vấn, viết bài luận… để vào đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh xét tuyển dựa trên điểm số kỳ thi THPT Quốc gia và kết quả học tập ở 3 năm THPT, nhiều trường đại học đưa ra đề án tuyển sinh riêng của mình như trắc nghiệm, viết bài luận, phỏng vấn trực tiếp.

Nhiều trường ĐH sẽ xét tuyển thí sinh bằng kiểm tra năng lực, phỏng vấn.
Nhiều trường ĐH sẽ xét tuyển thí sinh bằng kiểm tra năng lực, phỏng vấn.

Xét tuyển bằng trắc nghiệm, viết luận

Theo đề án tuyển sinh của ĐHQG TPHCM vừa công bố, mùa tuyển sinh năm 2016 này xét tuyển được thực hiện trực tuyến (online) và chỉ có một đầu mối nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐHQG TPHCM thay vì mỗi trường thành viên tự nhận hồ sơ của trường mình như trước đây.

Ông Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đại học và sau đại học trường ĐHQG TPHCM cho biết, nơi đây sẽ xét tuyển liên thông trong toàn hệ thống các trường thành viên. Ví dụ, thí sinh đăng ký ngành Công nghệ thông tin vào 2 trường khác nhau thuộc hệ thống đại học này sẽ được xét tuyển lần lượt, nếu trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Việc xét tuyển này theo ông Chính góp phần giảm ảo cho các trường bởi năm nay, mỗi thí sinh được chọn 2 trường khác nhau, mỗi trường chọn 2 ngành nên tỉ lệ ảo khá cao.

    “Bài luận của thí sinh không giới hạn số chữ, nội dung phải làm sao thuyết phục được Hội đồng xét tuyển qua các vấn đề như vì sao bạn chọn ngành học này, trường này; bạn có khả năng gì về ngành đấy…”.
    Ông Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đại học và sau đại học trường ĐHQG TPHCM

Năm nay, ĐHQG TPHCM ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi ở tất cả trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc thông qua thư giới thiệu của giáo viên và bài luận của thí sinh. Ông Chính cho biết: “Bài luận của thí sinh không giới hạn số chữ, nội dung phải làm sao thuyết phục được Hội đồng xét tuyển qua các vấn đề như vì sao bạn chọn ngành học này, trường này; bạn có khả năng gì về ngành đấy… Tuy nhiên, hình thức này trường chỉ dành chỉ tiêu 10% cho tất cả các ngành học”, ông Chính nói.

Trường Đại học Hoa Sen năm nay dành 250 chỉ tiêu cho hình thức như trên. Theo đó, điều kiện xét tuyển là các thí sinh tốt nghiệp THPT có kết quả học tập 3 năm học THPT (học lực) đạt từ loại giỏi trở lên và hạnh kiểm xếp loại tốt. Đủ điều kiện trên, thí sinh cần nộp thêm bài luận nêu rõ mục tiêu học tập, nghề nghiệp và lý do chọn trường Đại học Hoa Sen để thực hiện mục tiêu. Ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc Tuyển sinh và Truyền thông trường này cho biết việc xét tuyển căn cứ vào điểm trung bình cộng 3 năm THPT và điểm bài luận được Hội đồng chuyên môn chấm theo thang điểm 10, lấy điểm trúng tuyển từ trên xuống.

Khảo sát đầu vào, phỏng vấn trực tiếp

Ông Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM cho biết, trường dự kiến tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra năng lực. Theo đó, phương thức tuyển sinh được nhà trường thực hiện qua 2 bước với 3 tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực). “Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển vào trường theo từng ngành”, ông Hải nói.

Ông Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y (thuộc ĐHQG TPHCM) cho biết, năm nay thí sinh muốn vào trường đều phải trải qua phần thi vấn đáp trực tiếp với Hội đồng xét tuyển. Cụ thể, thí sinh sẽ được cho trước 1 số câu hỏi với 10 phút để chuẩn bị, sau đó sẽ trực tiếp gặp Hội đồng xét tuyển để trả lời các câu hỏi như vì sao chọn ngành y, em có sợ máu không, có thích làm từ thiện không… “Thí sinh vượt qua vòng này sẽ được nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Đây là bước giúp Hội đồng chọn được thí sinh phù hợp với nghề y, hạn chế tình trạng thí sinh có điểm cao là nộp vào vì lý do nào đó, bất chấp bản thân có phù hợp hay không”, ông Phước nói.

Trong khi đó, các trường đại học khác như Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công Nghệ, Công nghiệp thực phẩm, Văn Hiến… tiếp tục duy trì phương thức xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển dựa trên điểm học bạ.

Theo TPO

 

Bình luận (0)