30 năm qua, phóng viên ảnh tự do – nhiếp ảnh gia Huỳnh Mỹ Thuận lặng lẽ kể chuyện đất nước bằng ánh sáng và khung hình. Ở mọi vùng đất anh đi qua, ở mỗi bài báo anh cộng tác, hình ảnh do anh ghi lại không chỉ là minh họa, mà là chất liệu sống động của đời sống, của con người, và của một thời đã qua.

Một tay máy dày dạn giữa đời sống báo chí
Cái duyên với nhiếp ảnh đến với Huỳnh Mỹ Thuận từ cuối thập niên 1990, khi anh bắt đầu sinh hoạt tại Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Gia Định. Tác phẩm đầu tay của anh là chân dung một lão nông – không chỉ được chọn triển lãm toàn quốc, mà còn góp mặt trong các chương trình ảnh tiêu biểu tại Pháp, Áo, Brasil… Từ khoảnh khắc đầu tiên ấy, anh bước vào hành trình 30 năm miệt mài trong thế giới của ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật.
Chọn theo con đường nhiếp ảnh nghệ thuật, Huỳnh Mỹ Thuận sớm ý thức rằng đam mê thôi là chưa đủ. Anh chủ động theo học các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ do Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức, sau đó tiếp tục tham gia lớp phóng sự ảnh của Viện Trao đổi Văn hóa Pháp (IDECAF) phối hợp cùng Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Việc học hành bài bản ấy không nhằm tìm kiếm danh phận hay chức vị, mà xuất phát từ một niềm tin đơn giản: muốn kể chuyện bằng ảnh, thì phải hiểu nghề đến tận gốc.
Gần 20 cơ quan báo chí từng là nơi anh cộng tác, từ Phụ nữ TP.HCM, Yêu trẻ, Tuổi trẻ, HTV, BTV… đến các tạp chí chuyên đề và báo ngành. Hiện nay, anh là cộng tác viên chính của Tạp chí Savour Vietnam, nơi anh thực hiện nhiều phóng sự, ký sự ảnh về văn hóa – du lịch, nhằm giới thiệu vẻ đẹp quê hương Việt Nam đến bạn đọc trong và ngoài nước. Anh cũng có nhiều phóng sự ảnh đăng trên Tạp chí Giáo dục TP.HCM.
Hơn 200 phóng sự và ký sự ảnh của anh đã được đăng tải, trải dài từ các đề tài xã hội, giáo dục, trẻ em, phong cảnh, kiến trúc đến những chân dung đời thường. “Chụp ảnh phải bằng trái tim”, anh vẫn thường nói vậy. Với anh, ảnh báo chí không đơn thuần là hình minh họa mà là một tác phẩm nghệ thuật, nơi người chụp đối thoại với thực tại bằng cảm xúc. Đó là sự đồng cảm, sẻ chia với cuộc sống quanh mình, từ phố thị đến vùng sâu vùng xa, từ những nhịp sống bình lặng đến những miền đất còn ít được biết đến của quê hương Việt Nam.
Ba thập kỷ làm ảnh cho báo chí, anh không đếm mình đã đi bao nhiêu cây số hay chụp bao nhiêu khung hình. Nhưng điều anh nhớ rõ, là những lần về vùng sâu, vùng xa trong mùa mưa gió; những buổi chạy xe từ điểm chụp này sang nơi tác nghiệp khác chỉ để kịp giờ tòa soạn lên trang. “Làm báo mà, không có khái niệm đúng lúc hay thuận tiện. Thấy cần ghi lại là phải đi”, anh kể.

Với anh, nghề phóng viên ảnh không chỉ đòi hỏi kỹ thuật và con mắt quan sát, mà còn cần một sự gắn bó thật sự với báo chí – thứ khiến anh sẵn sàng xách máy rời nhà bất cứ lúc nào vì một khung hình có giá trị thông tin. “Tôi không nghĩ mình là nghệ sĩ hay nghệ nhân gì cả. Mình là người làm nghề, và nghề này không cho phép mình dửng dưng trước những chuyển động của xã hội”.
Ánh sáng lặng thầm trong thời đại số
Hiện tại, anh đang ấp ủ tổ chức một triển lãm cá nhân nhằm tổng kết hành trình 30 năm đồng hành cùng báo chí bằng hình ảnh. Các mảng đề tài sẽ trải dài từ phong cảnh vùng quê, kiến trúc đô thị, tuổi thơ đến chân dung những con người đời thường.
“Niềm vui lớn nhất của mỗi triển lãm là được chia sẻ một câu chuyện về cuộc sống, về quê hương – một ký ức theo dòng thời gian, một thông điệp gửi gắm trong từng bộ ảnh”, anh nói. Với anh, đó có thể là lời nhắc về giá trị của những kiến trúc cổ, là mong muốn góp phần gìn giữ các di sản văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của nhiếp ảnh. Mỗi bức ảnh như một dấu chân – lưu lại những miền đất đã đi qua, lặng lẽ kể lại điều đang dần mờ trong ký ức tập thể.
Không chỉ là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, Huỳnh Mỹ Thuận còn là tác giả của hơn 100 bức ảnh nghệ thuật đạt giải, hàng ngàn tác phẩm ảnh triển lãm trong nước và quốc tế, cùng hơn 20 giải thưởng ảnh báo chí cấp toàn quốc.
Một số giải thưởng nổi bật có thể kể đến như: Giải xuất sắc ảnh báo chí của Hội Nhà báo TP.HCM năm 2006 với tác phẩm “Người mẹ”; Giải báo chí vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc năm 2014 với bộ ảnh “Ngôi nhà yêu thương”; Giải nhất cuộc thi ảnh báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam với bộ ảnh “Mùa lúa vàng trên quê hương Hòn Đất”; hay giải nhì cuộc thi “Khoảnh khắc đáng yêu” của Báo Tuổi trẻ năm 2019 với tác phẩm “Lòng mẹ”. Mỗi giải thưởng là một cột mốc nhỏ, đánh dấu hành trình bền bỉ mà ông đã đi qua cùng ống kính và lòng yêu nghề. Anh đã thực hiện ba triển lãm ảnh mang dấu ấn cá nhân, và “Xuân Sài Gòn (2022) – Mùa xuân TP.HCM (2025) – Trên miền ký ức (2025)”. Mỗi triển lãm là một lát cắt về đô thị, về con người, về ký ức và cả nỗi mong manh giữa những điều bình dị… |
Giữa thời đại số mà ai cũng có thể chụp ảnh, chia sẻ ngay tức khắc, Huỳnh Mỹ Thuận vẫn tin vào sức mạnh nhiếp ảnh truyền thống, những khoảnh khắc chân thật của cuộc sống, của sự lặng lẽ, có giá trị theo dòng thời gian. Với anh, một tấm hình đẹp không nằm ở độ nét, không ở độ phủ mạng xã hội, mà ở khả năng khiến người xem dừng lại, nhớ lại dù chỉ trong thoáng chốc.
Với Huỳnh Mỹ Thuận, nhiếp ảnh là công việc đòi hỏi sự kiên trì và nghiêm túc. 30 năm qua, anh đã âm thầm ghi lại những khoảnh khắc đời sống, đóng góp cho báo chí bằng những khung hình chân thực và có chiều sâu. Trong một bối cảnh nghề báo đang thay đổi nhanh chóng, sự hiện diện ổn định và liên tục của anh cho thấy vai trò không thể thiếu của những phóng viên ảnh trong việc tạo ra giá trị tư liệu và lan tỏa hình ảnh xã hội một cách khách quan, bền bỉ.
Thủy Phạm
Bình luận (0)