Giáo viên cần tạo tâm lý thoải mái trong giờ học đối với những HS yếu kém. Ảnh: giờ dạy mẫu lớp 12A16 của GV Hoàng Kim Nam, Trường THPT Ngô Quyền |
Môn ngoại ngữ là một trong những môn thi chính trong các kì thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ. Và cũng như các môn học khác, việc dạy cho những học sinh (HS) yếu kém ở môn học này vẫn là câu chuyện dài kỳ mà chính những giáo viên (GV) dạy bộ môn này mới lý giải được.
Lớp 12: Học kiến thức vỡ lòng
So với nhiều tỉnh thành khác, TP.HCM là địa phương có điều kiện phát triển việc giảng dạy môn ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Tuy nhiên, thống kê từ năm học 2005-2006 – năm đầu tiên bắt đầu áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn tiếng Anh – tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình môn này tại TP.HCM cao nhất là 82,2%. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tỉ lệ này là 76,28%, xếp thứ 4 sau các môn hóa học, toán, ngữ văn. Theo nhận định của các GV giảng dạy bộ môn này, con số 23,72% thí sinh có điểm dưới trung bình phần lớn đều rơi vào những HS yếu kém.
Nhiều GV có kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn tiếng Anh phản ánh, năm nào họ cũng gặp phải trường hợp HS yếu kém, thậm chí cả lớp cùng yếu môn này. Nếu như việc truyền đạt cho HS khá giỏi mất rất ít thời gian, GV chỉ cần ôn lại và giới thiệu sơ qua kiến thức là các em hiểu; ngược lại với HS yếu kém, các em mất căn bản kiến thức từ những lớp dưới nên “dạy đi dạy lại” vẫn là con số 0. Chuyện HS bậc THPT mà vẫn phải dạy lại kiến thức vỡ lòng lớp 6, lớp 7 dường như đã trở thành “nỗi niềm” chung của bất cứ GV nào khi đã “trót” dạy đối tượng này. Có không ít trường hợp rơi vào HS lớp 12 đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thầy Hoàng Kim Nam, GV tiếng Anh Trường THPT Ngô Quyền (Q.7), cho biết việc các em chia động từ tobe theo kiểu I are, We is là điều không còn xa lạ với các GV môn tiếng Anh. Vốn từ vựng mà các em có cũng rất “nghèo nàn”, thậm chí có em hoàn toàn không biết một câu tiếng Anh nào. Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Marie Curie, cho biết đối tượng HS yếu kém môn này có thể chia ra làm 2 loại: HS không chịu học và HS có học nhưng khả năng tiếp thu kém. “Với đối tượng thứ nhất, các em thường là những HS nghịch ngợm, thường xuyên gây mất trật tự trong lớp học. Tuy nhiên đối tượng này vẫn có khả năng tiếp thu bài tốt hơn những HS có học nhưng lại không có khả năng tiếp thu. Các em có vẻ như đang chăm chú lắng nghe bài giảng, ngồi ghi chép đầy đủ nhưng kỳ thực lại không biết gì. Chính vẻ ngoài “êm ái” của các em khiến nhiều GV chủ quan, lầm tưởng HS mình đang tiếp thu bài tốt”, cô Thủy phân tích.
Một yếu tố nữa gây khó khăn cho GV trong quá trình truyền đạt kiến thức cho đối tượng này chính là vấn đề tâm lý. Các em hầu hết đều có những hoàn cảnh đặc biệt: gia đình khó khăn, không được sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ, bản thân lại bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu từ các thành phần xã hội bên ngoài. Chính những điều đó cộng thêm việc tiếp thu bài vở kém đã dẫn đến tâm lý buông xuôi, bỏ mặc, biểu hiện những hành động gây khó dễ cho GV trong quá trình giảng bài. Bất cứ GV nào khi dạy những đối tượng này đều mang trong mình tâm lý dè chừng, e ngại, không ít trường hợp GV đã xin chuyển lớp khi mới đảm nhận chưa được bao lâu.
Cần lắm sự yêu thương
Tại hội thảo “Phụ đạo HS yếu kém môn tiếng Anh” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức mới đây, nhiều GV đã thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề “nổi cộm” trong cách giảng dạy đối với HS yếu kém. Đa số GV đều cho rằng, việc phụ đạo cho HS yếu cần phải có sự kiên trì, không được nôn nóng, cũng không nên tỏ ra nản chí, thất vọng khi đứng trước cảnh “chữ thầy trả lại cho thầy”, dù trước đó HS đã được giảng giải nhiều lần. Đồng thời, tùy vào điều kiện mỗi trường mà mỗi GV, tổ bộ môn đưa ra những phương pháp dạy khác nhau. “HS yếu tiếng Anh giống như một thỏi đất sét khô. Muốn rèn luyện đối tượng này, chúng ta chỉ có thể nhỏ từng giọt nước cho tới khi nhuần nhuyễn, chấp nhận mỗi ngày chỉ đưa vào đầu các em một lượng kiến thức vừa phải để tiếp thu chứ không được nhồi nhét kiến thức”, thầy Hoàng Kim Nam đóng góp. Đặc biệt, khi giảng dạy, GV không được xa rời SGK, không nên mang những kiến thức ngoài SGK để nâng cao cho đối tượng HS yếu tiếng Anh nếu các em chưa đạt được một chuẩn kiến thức nhất định. Song song với hoạt động đó, trong quá trình biên soạn giáo án, GV phải gạn lọc những kiến thức cơ bản nhất, sát sao nhất với đề thi để dạy cho các em. Có thể nói, giúp cho HS nắm được những kiến thức chuẩn trong SGK đã là một thành công lớn của người GV. “Kết quả đó không thể có được trong một vài tháng, một vài kỳ thi mà phải kiên nhẫn dạy và chờ đợi. Có khi, trong quá trình dạy hầu như các em không có biểu hiện gì nhiều mà phải chờ đến kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT mới được chín muồi”, cô Đinh Hồng Phương, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Ngô Quyền (Q.7) nhận định.
Ngoài việc kiên trì giảng dạy, tạo tâm lý thoải mái trong lớp học cũng là một trong những cách kích thích việc học của những HS yếu kém, giúp các em xóa đi tâm lý tự ti, mặc cảm. “Tôi thường nhắm tới một đối tượng cụ thể ở lớp trong quá trình dạy. Ví dụ như: Ngày hôm nay, tôi tập trung dạy cho những HS thường mất trật tự trong lớp nhưng có khả năng tiếp thu bài nhanh hơn những HS khác. Sau đó, tôi cho những em này kèm cặp cho những em yếu hơn để các em thấy được khả năng và trách nhiệm của mình. Sang ngày hôm sau, tôi lại chuyển qua đối tượng HS yếu – dù biết sẽ mất nhiều thời gian hơn – và cũng để các em này truyền đạt lại cho những HS nghịch phá. Điều này vừa giúp các em nhớ kiến thức lâu hơn, lại vừa để cho các em thấy rằng, mình cũng có khả năng như những bạn khác”, cô Thanh Thủy chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Đánh giá về yếu tố tạo tâm lý thoải mái trong lớp học, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên bộ môn tiếng Anh, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận xét: “Khi đứng lớp, GV nên tận dụng những câu nói dí dỏm để kéo gần khoảng cách thầy trò, để các em thấy thầy cô vẫn còn bên mình. Không khí trong lớp học càng thân thiện, cởi mở thì việc phối hợp giữa thầy và trò càng nhanh chóng, hiệu quả. Tâm lý thoải mái sẽ dẫn tới việc tiếp thu bài hiệu quả hơn”. |
Bình luận (0)